Hà Nội: Siết chặt quản lý nông sản từ gốc
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện 12/244 mẫu nông, lâm, thủy sản (chiếm 4,92%) không bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm. Điều đó cho thấy vi phạm trong lĩnh vực này vẫn chưa hết "nóng". Để bảo đảm nguồn nông sản “sạch” cho thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt quản lý nông sản từ gốc.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như vùng sản xuất lúa chất lượng cao 690ha, vùng rau an toàn 285ha, vùng cây ăn quả 300ha; đồng thời xây dựng được 6 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý chất lượng nông sản.
Những tín hiệu tích cực từ các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như huyện Thạch Thất là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn là vấn đề “nóng”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 68 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; phát hiện 20 trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, xử phạt tổng số tiền là 656 triệu đồng.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, 5 tháng đầu năm 2021, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với 1.419 lượt cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Kết quả đã xử phạt 53 trường hợp với tổng số tiền gần 208 triệu đồng; đồng thời, tiêu hủy 1.561kg động vật và sản phẩm động vật không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm.
Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh an toàn; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không đủ thông tin trên tem nhãn theo quy định...
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc liên kết tiêu thụ nông sản an toàn ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố còn chậm. Các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản phần lớn quy mô hộ gia đình, hoạt động xen kẽ trong khu dân cư, năng lực, trình độ sản xuất còn lạc hậu. Trong khi đó, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở chưa thường xuyên và quyết liệt, chủ yếu dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Thêm nữa là người tiêu dùng chủ yếu mua nông sản tại chợ dân sinh, chưa quan tâm đến nhiều nguồn gốc...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn nông sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, cùng với việc đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, chợ dân sinh, huyện Ba Vì sẽ chú trọng triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn, sữa an toàn, nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP để truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng; đồng thời phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu cho thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án “An toàn thực phẩm nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026” sử dụng nguồn vốn ODA; đồng thời đề xuất với thành phố có chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản trên địa bàn qua đó tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm trước khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường Thủ đô.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch, trong đó ưu tiên đầu tư mở rộng các vùng trồng rau, cây ăn quả và chăn nuôi an toàn. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất để hạn chế việc sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật...
Để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững thì cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, cần thúc đẩy các giải pháp kiểm soát chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến kinh doanh và có sự tham gia của cả cộng đồng.
Vĩnh Phúc: Thúc đẩy quy trình canh tác “5 không”
Với ưu điểm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có nhiều chất dinh dưỡng mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được ngành Nông nghiệp và nông dân quan tâm triển khai thực hiện và mở rộng diện tích, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng.
Chỉ với 2 sào (360m2/sào) trồng dưa lê áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, cho năng suất 5-6 tạ/sào với giá bán 10 nghìn đồng/kg, gia đình ông Nguyễn Văn Nhượng, xã Vân Hội (Tam Dương) thu lãi từ 10- 12 triệu đồng.
Trong tâm trạng phấn khởi được mùa, được Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) bao tiêu 100% sản phẩm, ông Nhượng cho biết: Trước đây, diện tích này, gia đình cũng trồng dưa lê nhưng canh tác theo truyền thống nên giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Vụ xuân 2021, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn quế Lâm), gia đình đã mạnh dạn trồng dưa lê theo hướng hữu cơ.
Toàn bộ quy trình sản xuất, sử dụng 100% phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc phòng trừ sâu bệnh thảo mộc nên cây dưa phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, quả to, đều màu, độ ngọt tăng, dây dưa chống chịu tốt với thời tiết nắng nóng và mưa dầm.
Nhờ thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hữu cơ, chi phí đầu tư giảm đáng kể mà lại cho năng suất cao.
Trước đây, gia đình ông Trần Văn In, thôn Yên Thư, xã Yên Phương (Yên Lạc) canh tác lúa theo phương thức truyền thống, thường dùng và lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để bón cho cây, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người nông dân và sinh trưởng của cây cũng như chất lượng nông sản.
Vụ xuân 2021, thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Trung tâm Giống nông nghiệp và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc, gia đình đã cấy 1,5 sào lúa DT39 Quế Lâm theo hướng hữu cơ.
Với quy trình sản xuất, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh, thuốc BVTV thảo mộc nên cây lúa cứng cây, sinh trưởng phát triển tốt, rễ nhiều, bám sâu vào đất.
Vì thế, trong đợt mưa dông cuối vụ kèm theo gió giật mạnh giữa tháng 5 vừa qua, nhiều ruộng lúa canh tác theo phương thức truyền thống đổ , riêng mô hình canh tác theo hướng hữu hữu cơ không bị ảnh hưởng.
Theo ông In, điểm nổi bật của sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là cải tạo đất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái; gạo trong, cơm mềm và có mùi thơm đặc trưng, năng suất ước đạt hơn 2,6 tạ/sào, tương đương 72 tạ/ha.
Ông Khắc Ngọc Bá, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc cho biết: Thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn "5 không" (không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại); các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng nên được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.
Hiện, công ty đang triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh như thanh long ruột đỏ hữu cơ tại xã Vân Trục (Lập Thạch); rau su su hữu cơ tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo) và chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các xã: Văn Quán, (Lập Thạch); Minh Quang (Tam Đảo) và thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên).
Qua đó, đã giúp nông dân làm quen kỹ thuật canh tác mới, an toàn với người sản xuất, người sử dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Ngay từ năm 2012, Trung tâm đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Ban đầu thực hiện trên cây lúa, sau đó chăn nuôi, liên kết áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn, gà không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học…
Kết quả các mô hình triển khai đều khẳng định hiệu quả, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, môi trường chăn nuôi được cải tạo rõ rệt, hệ vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại, chất lượng nông sản đã tạo được sự khác biệt so với cách làm trước đây.
Từ hiệu quả của các mô hình, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022.
Theo đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng như: Cây rau, cây ba kích, cây trà hoa vàng đã và đang được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt với vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội là thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Tuy nhiên, muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì phải có vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp. Từ yếu tố đầu vào, đầu ra sản phẩm và quy trình, quy chuẩn sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò xuyên suốt.
Bên cạnh đó là đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp, người SXKD sản phẩm hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giá trị kinh tế cao gắn với nhu cầu thị trường, liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng.
Nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, qua đó làm thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân, tạo ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Thanh Hóa: Phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân: quy mô sản xuất cây ăn quả của huyện đã từng bước chuyển từ phân tán nhỏ lẻ, trồng tự phát sang trồng tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đến tháng 3/2021, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện là 1.135 ha, tăng 308,5 ha so với năm 2015. Trong đó, diện tích trồng tập trung từ 1 ha trở lên là 339,8 ha và chủ yếu là các loại cây ăn quả có múi như cam đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn... Diện tích trồng cam đạt 240,3 ha (diện tích thu hoạch 144,5 ha, sản lượng hàng năm đạt 3.600 tấn/năm); cây bưởi 164,7 ha (diện tích thu hoạch 100,5 ha, sản lượng hàng năm đạt 2.515 tấn/năm); cây dứa 7 ha, sản lượng hàng năm đạt 245 tấn/năm); cây chuối 270 ha (diện tích thu hoạch 270 ha, sản lượng hàng năm đạt 13.500 tấn/năm); cây ổi 50 ha (diện tích thu hoạch 35 ha, sản lượng hàng năm đạt 525 tấn/năm); cây mít 60,6 ha (diện tích thu hoạch 25 ha, sản lượng hàng năm đạt 100 tấn) và các loại cây ăn quả khác còn lại trồng phân tán 792,6 ha, như: vải, nhãn, hồng xiêm, mắc ca, bơ, vú sữa, xoài, thanh long, na, táo.
Để cây ăn quả trên địa bàn huyện phát triển theo hướng tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 – 2020; trong đó, đối với các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất cây ăn quả được hỗ trợ mức 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đến nay các đối tượng sản xuất cây ăn quả được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn rất hạn chế; nguyên nhân là do phương thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và tự phát chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ, khuyến khích theo chính sách. Ngoài ra, HĐND huyện ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng cam năm 2017 tại Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha, đủ các điều kiện về diện tích 1 ha tập trung trở lên...; tổng diện tích được hỗ trợ là 18,6 ha, kinh phí hỗ trợ 279 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Huyện đã và đang tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch khắc phục những khó khăn, vướng mắc để phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung quy mô lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trong đó, trọng tâm là kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả, gắn sản xuất với thu hoạch, bảo quản chế biến và thị trường để nâng cao giá trị và chất lượng, nhất là tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Huyện đề nghị tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trồng cây ăn quả phù hợp trên địa bàn tỉnh, trong đó có các huyện miền núi (quy mô sản xuất hộ gia đình, diện tích từ 2 ha trở lên)./.
Theo Thanh Tâm/kinhtenongthon.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã