Tôi đăng ký chiều hôm trước và xin hẹn gặp bà sáng hôm sau, một lúc bà nhẩm lịch và cho cuộc hẹn đúng như vậy.
Tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL (địa chỉ tại TP Cần Thơ) bà khá bận rộn với các cuộc hẹn và họp trực tuyến quốc tế qua Zoom.
Chúng tôi đi thẳng vào câu chuyện của ngành và những vấn đề giáo sư tâm huyết khi đã nghỉ hưu. Rất mạch lạc từng vấn đề nên tôi cảm nhận được sức nóng nông nghiệp ở vị nữ giáo sư đã ngấm vào máu thịt bà hàng chục năm qua.
Giáo sư cả đời dành trọn vẹn tình yêu cho cây lúa, sau khi nghỉ hưu bà vẫn chưa cho mình nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục công việc gắn bó với nông dân, ruộng đồng?
Tôi hỏi và bà không ngần ngại chia sẻ: Mình còn sức khỏe còn làm. Cây lúa đang trong giai đoạn “chín”, tức là đã bắt kịp với thế giới. Hiện nay, yêu cầu thị trường tiêu thụ rất nhiều, nên còn sức lực tôi còn thực hiện tiếp nhiệm vụ truyền lửa cho các cơ quan, doanh nghiệp và bà con nông dân. Đặc biệt là làm sao nâng cao được thu nhập cho bà con trồng lúa. Chúng ta hay nói trồng lúa dân nghèo, nhưng vấn đề là phải có thời gian, có điểm nhấn. Mình đã đẩy hạt lúa lên đỉnh rồi, nếu không đẩy tiếp nó sẽ rơi xuống. Chính vì thế mốc đó hiện nay rất quan trọng.
Khi xong nhiệm vụ về hưu tôi thấy còn nhiều vấn đề mình phải khai thác, nghiên cứu. Đây là tâm tư thật sự của tôi muốn làm việc tiếp. Hơn nữa, tôi muốn đào tạo một thế hệ trẻ để tiếp cận thêm những công trình nghiên cứu, nắm bắt được mối quan hệ. Một con người trong suốt chặng đường hơn 25 năm như tôi đeo đuổi từ nhà trường cho đến khi về hưu cũng chỉ có cây lúa mà thôi.
Tôi có mối quan hệ về khoa học rất nhiều, không phải ai một ngày một bữa là tiếp cận được ngay. Chính vì thế, tôi muốn nâng cao cho thế hệ trẻ không phải khoa học mà cả giao tiếp nữa. Đó là tâm tư tôi muốn giúp thực sự cho đất nước mình chứ không phải xong rồi thôi.
Giáo sư Lang là một trong những nhà khoa học nghiên cứu nguồn gen và tạo giống cho cây lúa. Bà đã vinh dự là nhà khoa học nữ đầu tiên được trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa tổ chức tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào ngày 17/5/2019. Nói về hành trình khoa học đi tìm cây lúa hoang, Giáo sư Lang chia sẻ:
Đạt được giải thưởng Trần Đại Nghĩa đây là công trình liên quan tới cả một quá trình nghiên cứu cây lúa hoang (lúa ma). Qua công trình này khởi đầu là vật liệu lúa hoang. Khi sang Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) để học đầu tiên phải mang vật liệu lúa hoang sang để nuôi cấy. Năm 1996, tôi được học bổng về công nghệ sinh học nên sang đó học và phải có vật liệu. Mang sang mấy hạt lúa hoang thôi. Lúc đó nguồn gen Nhà nước mình và các nơi chưa có quản lý nên mang sang đó nghiên cứu để tạo ra cái đột phá. Tôi mang những hạt lúa hoang từ Đồng Tháp Mười sang IRRI.
Trước đó, tôi đã nghiên cứu khai thác ưu thế lai của lúa mùa lai với lúa mùa, lúa mùa lai với cao sản, lúa cao sản lai với lúa cao sản. Nhưng có cái lúa hoang lai với lúa cao sản lai không được thành thử mình suy nghĩ phải đi ra nước ngoài khai thác, học tập.
Lúc đó tôi bàn với giáo sư hướng dẫn (nay đã mất), giáo sư nói nên lấy lúa hoang lai với lúa cải tiến. Nói cho dễ hiểu là như một người mẹ muốn sanh một đứa bé nhưng thụ tinh không được thì phải thụ tinh nhân tạo. Khi lai trong vòng 5 ngày là nó rụng chết hết, phôi không hoạt động.
Do đó phải khai thác nuôi cấy phôi và sau 5 ngày, 9 ngày nó phát triển và 15 ngày đã đạt được kết quả. Lúc đó tôi còn làm việc ở IRRI và gửi về Việt Nam nhờ các đồng nghiệp trồng ở ngoài đồng đánh giá xem sao. Từ lúa hoang có gen rơi rụng mà lai với giống lúa cải tiến đạt được hiệu quả về năng suất. Lúa hoang có nhiều gen quý kháng được sâu bệnh.
Như tôi đã nói, trong khoa học không có điểm dừng mà phải khai thác ở nhiều khía cạnh. Khi học ở nước ngoài tôi thấy có những giống lúa lúc đầu cho năng suất thấp quá, nhưng có nhiều cái để khai thác. Ví dụ như Khao Dawk Mali khi lai tạo các cặp lai đều bị thất bại nhưng phải khai thác nó ở phẩm chất hay mùi thơm, đặc biệt chịu khô hạn rất tốt. Tại sao mình không khai thác nó mà chỉ khai thác về năng suất.
Là một nhà khoa học nữ, bà đặc biệt yêu thích việc tạo giống lúa. Hiện nay bà đang lưu giữ hàng nghìn giống để tiếp tục nghiên cứu.
Giáo sư Lang chia sẻ: Đây là một công việc tôi yêu thích thực sự, không chỉ đối với cây lúa. Quê tôi ở Bến Tre qua Cần Thơ lập nghiệp, hồi đó tôi mang tất cả những cây về trồng chung quanh nhà để nuôi dưỡng nguồn gen quý. Đi đâu mà thấy gen lạ tôi mang về trồng và rất yêu quý nó. Thành thử ra đối với cây lúa, như lúa hoang hay những cây bị hắt hủi, tôi cũng đều mang về.
Hiện nay, ngân hàng gen của tôi trên 2.000 nguồn giống lúa cao sản. Riêng giống lúa mùa cũng khoảng 1.000 giống, tất cả phải bảo quản kép và lưu giữ ở 4 nơi. Ở Viện Lúa ĐBSCL tôi có một miếng đất riêng lưu trữ một ngân hàng gen. Tôi còn duy trì 500 chậu lúa hoang để nghiên cứu lai tạo. Yêu thực sự mới làm được việc này. Người ta sưu tầm đồ cổ, còn tôi sưu tầm đồ cổ sống, nó hô hấp đàng hoàng. Tất cả công việc này đều làm bằng tiền túi.
Dù làm được rất nhiều điều kỳ diệu nhưng giáo sư Lang rất khiêm tốn, bình dân, bà vẫn hay chia sẻ phải biết ơn những nhà khoa học, hàng triệu người nông dân đã giúp mình. Máu nông dân luôn tạo nên sự chân thật khiêm tốn nơi bà.
Giáo sư Lang chia sẻ: Cảm ơn sự giúp đỡ của các nhà khoa học, đồng nghiệp, các thầy và bà con nông dân. Mình sẽ khơi dậy, sắp xếp lại cho hệ thống cây lúa nước Nam bộ. Việt Nam mình nói về nông nghiệp là lúa, cây ăn trái, thủy sản… Đối với các nước người ta muốn khai thác Việt Nam ở việc lai tạo giống. Điển hình như Thái Lan, Campuchia, Indonesia… họ không làm tốt được việc này. Nên để ra được một giống lúa tốn thời gian từ 10 đến 15 năm.
Do đó, nhiều công ty lớn họ rất trân trọng. Chính vì vậy mình phải kiên trì, ngay cả các nhà khoa học quốc tế người ta cũng vậy. Từ ý kiến của người nông dân mình mới tạo ra được một giống phù hợp vì thế mình phải khiêm tốn, học bà con nông dân.
Khi về hưu mình tự do hơn và giúp địa phương rất nhiều, tỉnh nào cũng giúp được hết. Có địa phương cần tư vấn, định hướng về khoa học trong nhiệm kỳ tới nên làm gì.
Có tỉnh mời tư vấn thảo luận để đưa vào Nghị quyết Đại hội. Tư vấn và ký hợp đồng thực hiện đề tài, dự án, nhưng quan trọng nhất là định hướng. Thậm chí là cả các huyện, vì thế về hưu còn nhiều việc phải đóng góp cho ngành hơn nữa.
Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp từ ngoài Bắc đến trong Nam và các tổ chức quốc tế đến hợp tác. Thật sự mình giúp không phải vì tiền đâu, không phải ký hợp đồng. Mình cứ giúp trước đã, có nhiều công ty mình giúp đã đời rồi người ta mới ký hợp đồng, người ta thương mình.
GS.TS Nguyễn Thị Lang sinh năm 1957 tại tỉnh Bến Tre. Năm 1994, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ chuyên ngành Di truyền chọn giống. Bà nguyên là Trưởng Bộ môn Di truyền và chọn giống tại Viện Lúa ĐBSCL.
Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, giáo sư Lang đã lai tạo thành công 103 giống lúa, trong đó có 45 giống lúa đã được Bộ NN-PTNT công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL, hơn 100 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Những đóng góp đó thực sự là một “kho báu” cho nông dân và ĐBSCL.
NGỌC THẮNG/Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã