Nhiều tỷ phú, triệu phú nông dân
Anh Sùng Diu Sì (dân tộc Mông ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang) là một trong những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh ở địa phương. Hiện anh Sùng Diu Sì đang trồng 6ha cam đặc sản và nhãn, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu từ trồng cam đặc sản, anh Sì còn tập trung phát triển kinh tế từ cây lâm nghiệp. Với gần 20ha trồng các loại cây lâm nghiệp như: Keo, bồ đề… cũng mang lại một khoản tiền lớn khi anh thu hoạch. Ngoài ra, anh Sì còn có diện tích 6.000m2 mặt nước nuôi các loại cá như: Cá bỗng, trắm cỏ, chép, trôi.
Trong năm 2020, các cấp Hội ND tỉnh Hà Giang đã vận động hội viên giúp nhau vượt khó, thoát nghèo được gần 345 triệu đồng, trên 16.000 ngày công lao động và trực tiếp giúp cho 470 lượt hộ hội viên thoát nghèo. Cán bộ, hội viên nông dân đóng góp trên 212.000 ngày công lao động và hiến 316.712m2 đất xây dựng NTM.
Cũng là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Hà Giang, anh Phùn Sùn Chòi ở xã Xuân Minh, huyện Quang Bình lại lựa chọn cây chè để phát triển kinh tế.
Anh Phùn Sùn Chòi cho biết: Được Hội ND hướng dẫn, hỗ trợ, năm 2013, anh Chòi đã thành lập HTX chè Minh Quang. Từ khi thành lập đến nay, mỗi năm, HTX đã thu mua khoảng 200 tấn chè tươi, sản xuất ra 6 loại chè khô, được các doanh nghiệp ở Thái Nguyên ký kết bao tiêu sản phẩm với tổng lợi nhuận đạt 250 triệu đồng/năm. HTX còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập ổn định, đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Ở vùng "cao nguyên đá" cũng có nhiều điển hình tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đó là anh Sùng Pà Chơ, thôn Tả Lủng B, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn.
Anh Chơ chia sẻ: Là thành viên của HTX may mặc Minh Khai, nhà anh chuyên may trang phục dân tộc Mông, lúc nào cũng có 4 - 6 người làm việc thường xuyên với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng. Do đầu ra ổn định, mỗi năm anh thu lãi khoảng 120 triệu đồng.
Từ một nông dân, bằng sự nỗ lực, cần cù, anh Chơ đã thoát nghèo và vinh dự trở thành 1 trong 4 nông dân tiêu biểu của huyện Đồng Văn được tôn vinh và nhận "Danh hiệu nhà nông xuất sắc tỉnh Hà Giang năm 2019".
Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế
Ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Giang cho biết: Năm 2020, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, Hội ND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt quy chế làm việc, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Theo đó, trong năm, các cấp Hội đã kết nạp trên 2.000 hội viên, đạt 143% chỉ tiêu kế hoạch, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên trên 115.000. Đặc biệt, phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững được củng cố và có 10.559 hộ nông dân đạt SXKD giỏi.
Ông Trần Xuân Thủy cho biết: Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Hội ND tỉnh Hà Giang luôn xác định thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là động lực để nâng cao thu nhập cho hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội cấp huyện, thành phố ký giao ước thi đua, xây dựng chỉ tiêu SXKD giỏi tổ và chức cho hội viên nông dân đăng ký thi đua.
Cùng với đó, Hội đã phát huy hiệu quả của các nguồn vốn hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do Hội ND tỉnh quản lý trên 19 tỷ đồng. Hàng năm, Hội ND đã hỗ trợ hàng trăm hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh, huyện. Tổng doanh số cho vay toàn tỉnh, giai đoạn 2011-2020 đạt trên 65 tỷ đồng, cho 4.041 lượt hộ vay; với mức cho vay bình quân trên 40 triệu đồng/hộ.
Nhìn chung, các mô hình dự án cho vay được đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Một số mô hình tiêu biểu như: Thâm canh cam tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (Bắc Quang); Yên Hà, Hương Sơn (Quang Bình). Chăn nuôi trâu xã Vĩ Thượng (Quang Bình), xã Quang Minh (Bắc Quang); chăn nuôi lợn tại phường Ngọc Hà, Minh Khai, xã Ngọc Đường (TP.Hà Giang); trồng dặm và chăm sóc cây thảo quả tại xã Tân Thành (Bắc Quang)… qua đó đã góp phần xây dựng, phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn.
Cùng với các nguồn lực đầu tư, Hội ND tỉnh Hà Giang đã mở các lớp dạy nghề, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ. Trong năm qua, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh và Hội ND các tỉnh để giới thiệu, quảng bá tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của nông dân.
Theo Thu Hà/danviet.vn
https://danviet.vn/ha-giang-xuat-hien-nhieu-mo-hinh-lam-giau-trong-nong-nghiep-them-nhieu-ty-phu-nong-dan-20210205175920789.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã