Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội, xây dựng nông thôn mới (NTM) phải gắn liền với phát triển làng nghề, tạo dựng thương hiệu và nhất là sản phẩm OCOP.
Tính hết năm 2020, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch được giao trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%), của 72 doanh nghiệp, 82 HTX và 101 hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 5.000 lao động.
Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%), đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,8%), thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,7%), vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,6%), sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,4%).
Tạo nên thành công bước đầu này chính là nhờ Hà Nội đã thực hiện những bước đi tuần tự: Thứ nhất là công tác thông tin, tuyên truyền để làm sao lan tỏa được tinh thần OCOP tới lãnh đạo, cán bộ chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, để từ đó tham gia một cách chủ động và có những chính sách hỗ trợ kịp thời. Thứ hai là đào tạo, tập huấn một cách bài bản, tỉ mỉ cho cán bộ có liên quan đến chương trình, các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Xây dựng được sản phẩm OCOP đã khó, để quảng bá, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội thực sự cho nó còn khó hơn. Thành phố đã tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại về OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu được những sản phẩm người tiêu dùng. Nhờ đó mà sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đón nhận.
Thành phố cũng đã xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; xây dựng “Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại thành phố Hà Nội”.
Một hình thức rất mới là sử dụng sức mạnh của mạng xã hội cũng được Hà Nội vận dụng vào để quảng bá cho sản phẩm OCOP trong những ngày hội livestream trên facebook. Nó có ý nghĩa tích cực đối với các chủ thể OCOP Hà Nội trong bối cảnh thiếu đầu ra cho các sản phẩm cũng như sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cần phải giãn cách xã hội, giãn cách tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
Tại sự kiện, các chủ thể OCOP cũng cam kết dành tối thiểu 10% doanh thu bán hàng trong thời gian diễn ra sự kiện để ủng hộ Quỹ Vaccine phòng COVID19, cũng như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động cộng đồng chung tay chia sẻ vật chất, tinh thần cùng các ngành các cấp phòng chống COVID-19.
Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, theo ý kiến của Ban Chỉ đạo Chương trình 04 Thành ủy, sự chỉ đạo của Trung ương và định hướng phát triển sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Theo đó, trung bình mỗi năm sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm từ việc nâng cấp, cải tiến, hoàn thiện hóa các đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống.
Song song với việc chứng nhận sản phẩm OCOP phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng của chúng. Bởi chỉ có thế mới xây dựng niềm tin và giá trị vững bền cho sản phẩm OCOP, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là của Hà Nội, của Việt Nam mà là của cả thế giới khi họ quyết định chọn mua.
Theo Đinh Thanh Huyền/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/ha-noi-giai-doan-2021-2025-dat-muc-tieu-co-them-2000-san-pham-ocop-d298270.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã