Hội thảo là sự kiện bên lề cấp khu vực châu Á của Diễn đàn kinh tế tuần hoàn thế giới do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Quỹ Đổi mới, sáng tạo Phần Lan Sitra (ADBI) tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Miranda Schnitger, Trưởng Ban hợp tác Chính phủ, Quỹ Ellen MacArthur nhấn mạnh: "Kinh tế tuần hoàn là một phương thức tăng trưởng hiệu quả hơn và tạo giải pháp giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo thiết kế, kinh tế tuần hoàn dựa trên ba nguyên tắc: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; Duy trì sử dụng sản phẩm và nguyên vật liệu; Tái tạo các hệ thống tự nhiên".
Bà Miranda Schnitger cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn vì những lợi ích có thể mang lại như hỗ trợ phát triển kinh tế và tăng khả năng chống chịu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hỗ trợ giải quyết những thách thức toàn cầu như rác thải, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến
Phát biểu trong phần đối thoại cấp cao, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu làm thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tới yêu cầu cần phải có sự thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.
"Việc chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Để chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn một cách hệ thống, toàn diện thì đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. "Việt Nam hiện nay, có được sự đồng thuận từ chủ trương của Đảng, trong đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, giai đoạn đến năm 2025: Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn" - Bộ trưởng cho biết thêm về chủ trương của Việt Nam trong khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, nội dung này đã được hiện thực hoá thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020. "Luật đã chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải” (Điều 142)". Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các Điều, Khoản khác như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); phát triển ngành công nghiệp môi trường; dịch vụ môi trường…
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng quy định về “tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó, vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường gắn với lộ trình triển khai, thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
"Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 sẽ thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn; là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; cũng như tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tại Hội thảo, Bà Elina Kalkku, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan và Thống đốc (đại diện Phần Lan) tại Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, các quốc gia cần thúc đẩy hơn nữa việc thay đổi các mô hình phát triển. Bà Elina Kalkku cho biết, sẽ kêu gọi EU thúc đẩy và đưa ra các thỏa thuận xanh để thay đổi các phương thức tăng trưởng kinh hỗ trợ các nước “xanh hóa nền kinh tế” hơn nữa, tuần hoàn kinh tế hơn nữa…
Trao đổi về vấn đề tài chính, ông Ramesh Subramaniam, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tốt hơn, đồng thời đưa ra các khung pháp lý phù hợp, giảm thiểu rủi ro để huy động nguồn vốn từ khối tư nhân, từ đó, xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn đa dạng hơn.
Khương Trung/https://monre.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã