Đến nay, Đồng Tháp đã có những tổ hợp tác (THT) chăn nuôi với quy mô lớn, liên kết đầu ra heo thương phẩm, giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả.
Khu vực chuồng trại chăn nuôi heo rừng của THT hội viên Cựu Chiến binh xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) có quy mô 1.300m2, được chia làm 2 chuồng nuôi dành cho heo bố mẹ sinh sản, heo thương phẩm và khu sân vườn. Tất cả diện tích này được cải tạo từ chuồng nuôi heo thịt của hội viên Nguyễn Văn Hùng ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi và dày công tìm tòi học hỏi cũng như được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, ông Hùng là người trực tiếp quản lý đàn heo này.
Khởi điểm từ tháng 8/2018, mô hình nuôi heo rừng sinh sản và thương phẩm với hình thức cổ phần được Hội Cựu chiến binh xã phát động thực hiện trong toàn thể cán bộ, hội viên. Ban đầu với vài thành viên tham gia, mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định. Từ đó, Ban Chấp hành Hội mạnh dạn tham mưu Đảng ủy địa phương và các ngành huyện tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn sản xuất cho hội viên. Đến nay, xã đã thành lập được THT nuôi heo rừng với 27 thành viên, góp vốn trên 300 triệu đồng.
Ông Trần Văn Qui, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Long Thuận, cho biết: “Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình rất hiệu quả, đến nay, sau nhiều đợt xuất bán đã chia lãi cho hội viên được 65% /cổ phần. Cơ quan thú y địa phương cũng đã hướng dẫn, phun khử trùng định kỳ để đảm bảo an toàn”.
Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có tại vùng rau Long Thuận để làm thức ăn cho vật nuôi nên giúp giảm chi phí và tăng thu nhập trong quá trình chăn nuôi. Đến nay, THT đã phát triển đàn heo lên 130 con, gồm con giống sinh sản và heo rừng thương phẩm. Trung bình hơn 1 năm, heo sinh sản 2 lứa, mỗi lứa khoảng 20 con, sau đó được nuôi vỗ béo để đạt trọng lượng từ 20kg trở lên là xuất bán.
Hiện, THT đã chủ động liên kết với Công ty heo rừng miền Nam (tọa lạc tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp) với thời gian 5 năm, được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu đầu ra sản phẩm. Mới đây, Tổ đã xuất bán đàn heo được trên 170 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng.
Ông Trần Văn Qui cho biết thêm: “Hội Cựu Chiến binh và Đảng ủy xã thống nhất chủ trương nhân rộng mô hình tại ấp Long Thới A. Hiện đang thực hiện các bước để tăng diện tích khoảng 2.000m2”.
Mô hình hợp tác nuôi heo rừng của hội viên Cựu chiến binh xã Long Thuận đang được xem là mô hình kinh tế mới ở vùng Cù lao Long Thuận, huyện biên giới Hồng Ngự. Mô hình góp phần tăng gia sản xuất tại hộ gia đình và phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và CĐS” của VPĐP thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh
Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững
Tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua ĐMST và CĐS” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh