Chiều 13/7, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT ký kết "Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế".
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT có mối quan hệ tự nhiên, bền chặt, có thể hỗ trợ và giúp đỡ nhau phát triển. Quan hệ ấy đã thể hiện qua nhiều hợp tác trong thời gian qua. Gần đây nhất là việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều ở Hải Dương và Bắc Giang.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, ông ấn tượng với những gì Bộ NN-PTNT đã làm để hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển giá trị của chuỗi cung ứng nông sản.
"Mối quan hệ giữa hai Bộ cần bước sang một giai đoạn mới, sâu hơn, chặt chẽ hơn và chất lượng hơn. Chúng ta cần liên kết ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu", Thứ trưởng Khánh nói.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, quan hệ giữa hai Bộ cần phát triển trên 8 lĩnh vực khác nhau, gồm: (1) Công nghiệp hóa nông nghiệp. (2) Thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. (3) Đàm phán, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường. (4) Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản. (5) Quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. (6) Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. (7) Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; (8) Điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, Bộ Công thương đặc biệt chú trọng tới yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Thay mặt Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh hứa ưu tiên nguồn vốn cho ngành nông nghiệp, đồng thời quảng bá, giới thiệu nông sản Việt ra thị trường thế giới.
Cảm ơn sự tiếp đón nồng nhiệt của Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, giữa ông và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có quan hệ thân thiết. Người đứng đầu ngành nông nghiệp bày tỏ vui mừng khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 21,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020.
"Xã hội bây giờ trăm người bán, vạn người mua. Đưa nông sản ra thị trường thế giới không hề đơn giản. Phải làm sao để người sản xuất không ở trong tình trạng mù thông tin. Muốn vậy, chúng ta không thể lấy sản xuất để quyết định thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời hình thành các chuỗi liên kết.
"Chúng ta cần phải thông tin thông suốt từ đầu cung là Bộ NN-PTNT đến đầu cầu là Bộ Công thương. Thị trường thay đổi từng phút một. Khi cái mới chưa kịp định hình, cái mới hơn đã chuẩn bị thay thế. Sự nhạy cảm của thị trường đầu ra nhiều khi quyết định yếu tố đầu vào", ông nhấn mạnh.
Trên quan điểm ấy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và Cục Chế biến - Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) sẽ là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ, nhằm phối hợp, triển khai chương trình. Hai bên hy vọng, chương trình phối hợp này sẽ đưa thương hiệu nông sản Việt lên tầm cao mới.
Theo Bảo Thắng - Quang Dũng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/hop-tac-vi-muc-tieu-cong-nghiep-hoa-nen-nong-nghiep-d296764.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã