Trao đổi với NNVN về những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) qua 6 tháng đầu năm nay, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm; ông Huỳnh Thành Hữu (ảnh), Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, cho biết:
Trên cơ sở của Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra, ngay từ đầu năm 2021, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 07 về chương trình thực hiện xây dựng NTM năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Kế hoạch về xây dựng NTM của UBND tỉnh ban hành, các địa phương trong tỉnh đã bám sát vào những nội dung, lộ trình cụ thể để tiến hành thực hiện ngay đơn vị mình phụ trách, đặc biệt là những địa phương có xã được chọn xây dựng đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao ngay trong năm nay càng thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ cho chặng đường nước rút về đích NTM. Nhờ vậy, qua 6 tháng đầu năm nay, tình hình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng.
Cụ thể, đã có 2 xã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM là Đông Phước của huyện Châu Thành và Tân Long của huyện Phụng Hiệp, đạt 100% chỉ tiêu năm về số xã đạt chuẩn NTM theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Như vậy, đến thời điểm này, Hậu Giang đã có 34/51 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 66,67%. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có quyết định công nhận và được thành phố Vị Thanh tổ chức lễ công bố xã Hỏa Tiến đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là xã NTM nâng cao thứ 4 của tỉnh và là xã đầu tiên của thành phố Vị Thanh.
-Riêng về kết quả thực hiện chương trình OCOP như thế nào, thưa ông?
Từ đầu năm đến nay, với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Văn phòng điều phối NTM và các sở, ngành liên quan của tỉnh, cộng với sự quyết tâm thực hiện của nhiều địa phương và chủ thể trong thực hiện các nhiệm vụ của chương trình OCOP nên mới đây Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã thống nhất công nhận mới 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 và 4 sao cấp tỉnh. Đồng thời cũng thống nhất thăng hạng cho một sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh và 2 sản phẩm đủ điều kiện trình hội đồng OCOP Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Như vậy, sau 4 lần tổ chức hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đến nay Hậu Giang đã có 66 sản phẩm đặc trưng tại các địa phương trong tỉnh được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 và 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, có 34 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và 32 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
-Ông có nhận định như thế nào từ khi triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, cũng như các sản phẩm khi được công nhận OCOP cấp tỉnh ?
Qua hơn 3 năm triển khai OCOP tại Hậu Giang, chương trình nhận được sự đồng thuận rất cao của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở nên huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; đồng thời người dân là chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm cũng rất tích cực cùng ngành chức năng thực hiện nhiều công việc liên quan. Nhờ vậy, chương trình OCOP của tỉnh đã mang lại những kết quả ấn tượng.
Bên cạnh đó, những sản phẩm khi được công nhận OCOP thì hiện bước đầu đã hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, từ đó người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng sản phẩm; đồng thời các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng thể hiện niềm phấn khởi khi tăng về doanh số bán ra cũng như lợi nhuận đạt được, trong đó điển hình là sản phẩm OCOP từ cá thát lát, trà mãng cầu, rượu, gạo sạch...
-Hiện nay, các sản phẩm OCOP của Hậu Giang đã có mặt tại những thị trường nào, thưa ông ?
Qua nắm bắt thông tin từ các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, hiện sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Coopmark, Vincom… Đặc biệt, hiện có ba điểm bán hàng trực tiếp tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Phú Quốc (Kiên Giang).
Ngoài ra, một ấn tượng nữa là sản phẩm OCOP bưởi Năm Roi, chanh không hạt đã xuất qua thị trường EU, Hồng Kông và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan... Qua đây, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm của tỉnh Hậu Giang đến với nhiều nước trên thế giới.
-Theo ông, sự kết nối sản phẩm phải như thế nào để tạo thành chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm một cách chuyên nghiệp nhất nhằm đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP vươn xa ?
Kết nối cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ góp phần hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa khép kín, doanh nghiệp tăng doanh thu và quảng bá được thương hiệu; đồng thời người sản xuất có đầu ra ổn định, người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ thông tin vào các sản phẩm kết nối, cũng như xây dựng kênh phân phối sản phẩm với các mục tiêu hướng đến và khách hàng cần hướng đến; đồng thời đưa ra mục tiêu cần đạt đến (doanh thu, lợi nhuận…), lựa chọn hình thức phân phối (trực tiếp, hoặc gián tiếp) và đánh giá, lựa chọn phương án thích hợp để áp dụng.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP thì người chủ thể cần cải tiến mẫu mã, chất lượng đối với sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong sơ chế, chế biến sản phẩm (nhất là chế biến sâu); cũng như ứng dụng công nghệ trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm (thông qua việc lập trang website); đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm kết nối cung - cầu, hạn chế khâu trung gian để sản phẩm có giá trị cao hơn... Đồng thời, tổ chức quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định để đảm bảo nguồn cung.
-Bên cạnh kết quả đạt được thì ông nhận thấy trong quá trình triển khai xây dựng NTM và chương trình OCOP những tháng đầu năm nay có những khó khăn gì ?
Trước tiên về xây dựng NTM đó là nguồn lực đầu tư hiện nay vẫn chưa được Trung ương phân bổ cho các địa phương để tổ chức thực hiện. Vấn đề thứ 2 là để đầu tư cho một xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao thì cần nguồn lực khá lớn, trong khi ngân sách của tỉnh thì hạn chế. Do đó, việc đầu tư luôn được UBND tỉnh cân nhắc và thực hiện theo thứ tự ưu tiên để mang tính trọng tâm, trọng điểm theo từng năm và giai đoạn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 nên các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát NTM diễn ra ít.
Đối với chương trình OCOP thì vấn đề khó khăn là sự phối hợp của một số địa phương trong tỉnh về việc rà soát những sản phẩm truyền thống lâu đời, sản phẩm hiện có để xem xét tạo thương hiệu OCOP nhiều lúc chưa được thực hiện chặt chẽ. OCOP là chương trình mới nên một số chủ thể chưa am hiểu nên chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để mở rộng quy mô, tăng công suất. Nguồn vốn thực hiện chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng cho sản phẩm; công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm chưa đi vào chiều sâu; cũng như chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản phẩm nên khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế...
-Xin cảm ơn ông !
Theo Tuấn Phát (thực hiện)/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/ket-qua-an-tuong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-va-ocop-d296693.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã