Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều mục tiêu chính đã vượt yêu cầu Quốc hội đề ra và có những đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành và về đích trước một năm mục tiêu Quốc hội giao. Đến hết tháng 8 năm 2020 có 5.350 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,23%), tăng 3.818 xã so với cuối năm 2015 và vượt 10,23% so với mục tiêu 5 năm; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao.
Đã huy động được một nguồn lực rất lớn (khoảng 2.965.199 tỷ đồng) từ ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực huy động đã được sử dụng để đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng; thực hiện cho vay hỗ trợ sản xuất, kiên cố hóa kênh mương; triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội;...
Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 như kinh tế nông thôn tăng trưởng và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của địa phương, vùng, miền; hợp tác xã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, liên kiết hộ nông dân với hộ nông dân, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, là tác nhân liên kiết trong chuỗi giá trị.
Đồng thời, hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, tạo niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Bộ máy quản lý được kiện toàn, hoạt động đi vào nề nếp, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Tập trung sự chỉ đạo trong điều hành tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp.
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chuyển đổi từ cơ chế lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo từng năm sang cơ chế lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm.
Đồng thời, chú trọng giải pháp thông tin, truyền thông; tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo chiều sâu, trọng tâm vào chất lượng, hiệu quả đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp Nhân dân; xây dựng được hệ thống dữ liệu, bộ công cụ theo dõi giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như công tác huy động và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tạo được cơ chế khuyến khích những địa phương đạt kết quả tốt. Nguồn lực cân đối từ ngân sách địa phương mới chỉ tập trung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm.
Phân cấp trong quản lý đầu tư, nhất là cấp xã còn chưa thực chất. Tỷ lệ các công trình giao cấp xã làm chủ đầu tư mới đạt khoảng trên 60% và chủ yếu phân cấp đối với công trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Năng lực của cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp huyện, cấp xã còn yếu; cán bộ phụ trách ở cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên sâu làm công tác giảm nghèo.
Trong xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tình trạng chậm tiến độ; thiết kế chính sách đặc thù hỗ trợ công tác giảm nghèo chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số; cấp tỉnh chưa quan tâm đầy đủ đến công tác ban hành các quy định về phân cấp, hướng dẫn lập kế hoạch cấp xã, quản lý và sử dụng nguồn vốn huy động khác, cơ chế lồng ghép. Bên cạnh đó, việc chấp hành chế độ báo cáo trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia: công cụ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025
Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Chính phủ thấy rằng vẫn cần thiết phải xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia như là một công cụ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ xây dựng nguyên tắc và lựa chọn danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 đáp ứng các nguyên tắc như chứa đựng những vấn đề có tính cấp bách, liên ngành, liên vùng, có tính lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu của chương trình phải cụ thể rõ ràng, đo lường được, không trùng lặp với mục tiêu, đối tượng, phạm vi đầu tư của các chương trình khác; chương trình có thời gian thực hiện trong 5 năm hoặc phân kỳ thực hiện cho từng giai đoạn 5 năm. Phải đảm bảo giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện và phải đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, có hiệu quả.
Trên cơ sở các nguyên tắc lựa chọn nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đề xuất 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đến thời điểm hiện nay, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đối với hai chương trình còn lại, Chính phủ dự kiến có Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 theo trình tự được quy định tại Luật Đầu tư công.
Về nguyên tắc và cơ chế phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch; đảm bảo có sự lồng ghép các nguồn lực khi thực hiện 03 chương trình trên một địa bàn. Trong đó, đảm bảo ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giải quyết các vấn đề cấp bách, hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn; ưu tiên hỗ trợ các xã phấn đấu đến năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí; đối với các địa bàn có trùng đối tượng, nội dung hỗ trợ đầu tư, thực hiện theo nguyên tắc chỉ đầu tư từ 01 chương trình và từ chương trình có định mức cao nhất; phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước phải trên cơ sở kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm (bao gồm: kết quả giải ngân, kết quả chấp hành chế độ báo cáo, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ).
Về cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn, Trung ương phân bổ và giao các địa phương tổng nguồn vốn cùng mục tiêu, nhiệm của từng chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thành phần và một số nội dung trọng tâm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 theo cơ cấu nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp; hằng năm, thực hiện cơ chế phân bổ theo tổng mức vốn và giao Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ chi tiết nguồn vốn để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành cụ thể. Đồng thời, thực hiện trích lập dự phòng 10% tại ngân sách trung ương để thực hiện những vấn đề phát sinh.
Các giải pháp quản lý, điều hành, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ các giải pháp quản lý, điều hành, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 như kiện toàn bộ máy chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thống nhất ở Trung ương và địa phương trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế trong giai đoạn 2016-2020 và đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tuân thủ quy định của các Luật: Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành khác.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện và phối hợp tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa bộ, cơ quan ở cấp Trung ương và địa phương theo hướng tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp về thông tin truyền thông và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở.
Thiết lập thống nhất một hệ thống thông tin quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương tới địa phương và giữa các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao sự minh bạch, giảm sự trùng chéo và dễ thực hiện ở cấp cơ sở. Tăng cường sự tham gia giám sát của cộng đồng người dân để nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng nguồn lực của Chương trình.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và cho rằng nội dung báo cáo khá sâu, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao, đồng thời tập trung ý kiến vào các vấn đề ưu tiên chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá trong 5 năm qua Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vượt các mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý chất lượng, hiệu quả của các chương trình chưa thật sự cao; vấn đề tổ chức thực hiện, phối hợp chưa chặt chẽ; kỷ luật tài chính, thất thoát, lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương. Do vậy, đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức các báo cáo, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV./.
Tùng Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã