Thực tế trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua đã gây rất nhiều khó khăn cho nông dân trồng rau tại tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, khác với nhiều nông dân trồng rau trên địa bàn bị ảnh hưởng đầu ra do giãn cách xã hội, hộ ông Lê Văn Hoàng tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Tây vẫn thu hoạch đều và đầu ra sản phẩm luôn ổn định vì ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Theo ông Hoàng, trước đây gia đình ông cũng như nhiều bà con nơi đây canh tác rau theo kiểu truyền thống, không áp dụng bất kỳ biện pháp công nghệ nào, tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Tình trạng bà con phun thuốc hóa học để phòng trừ dịch hại vẫn diễn ra thường xuyên khiến sản phẩm bị tồn dư thuốc BVTV nhiều.
Tuy nhiên, đến nay khi tham gia vào HTX, bà con được hướng dẫn áp dụng trồng rau theo kiểu mới, áp dụng công nghệ cao, đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới phun tự động rất bài bản. Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới, ông Lê Văn Hoàng hào hứng nói: “Trồng rau trong nhà lưới vừa đảm bảo được phòng chống dịch hại hiệu quả, cây rau lại không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuốc hóa học. Đồng thời, cây rau cũng không bị tác động bởi yếu tố thời tiết, giúp rau trồng trong nhà lưới đạt năng suất cao hơn so với trồng ngoài mô hình. Hơn nữa, ít tốn công chăm sóc và giảm chi phí đầu tư nên thu lợi nhuận tăng gấp mấy lần canh tác kiểu truyền thống”.
Theo ông Hoàng, nếu như cách trồng rau truyền thống xoay vòng mỗi năm chỉ được 6 đến 7 vụ, nhưng nay khi bà con áp dụng KH-KT trồng rau theo quy trình VietGAP thì có thể trồng gần như quanh năm, khoảng 9-10 vụ.
Đặc biệt, tham gia vào HTX, liên kết sản xuất với các DN, gia đình ông Hoàng cũng như các hộ xã viên khác còn thường xuyên nhận được thông tin rất hữu ích về dự báo thời vụ, hay tình hình tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trước mắt và lâu dài. Đồng thời, từ những thông tin này, các xã viên và người dân liên kết sẽ được lãnh đạo các DN, HTX khuyến cáo lịch xuống giống các loại rau, củ, quả và thời điểm gieo trồng phù hợp để không xảy ra tình trạng “khủng hoảng thừa” do tác động tiêu cực của thị trường. “Ngoài việc đảm bảo các sản phẩm rau sản xuất phải đạt yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, các xã viên HTX còn được ký bao tiêu sản phẩm, chia sẻ những rủi ro có thể gặp phải trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ để không xảy ra tình trạng đổ bỏ sản phẩm”, ông Hoàng tâm sự.
Với lợi thế của các HTX, DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tiền Giang khi đã xây dựng được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, khiến đầu ra tương đối ổn định. Thậm chí, ngay khi dịch Covid-19 vừa qua xảy ra, sản phẩm hàng hóa nông sản vẫn được xuất đi bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau khi TP.HCM thực hiện việc “ai ở đâu ở yên đó” khiến đầu ra gặp khó, nhưng HTX vẫn nỗ lực thu mua, tiêu thụ sản phẩm và hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con xã viên.
Ông Trần Văn Bương, Chủ tịch HĐQT HTX rau an toàn Tân Đông chia sẻ: “Đúng thời điểm thu hoạch rau thì lại nghe TP.HCM ra chỉ thị “Ai ở đâu ở yên đó” khiến việc tiêu thụ rau của HTX càng bế tắc. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thấy nhiều khu vực tại thành phố đang thiếu nguồn rau xanh nên chúng tôi bắt đầu nghĩ ra cách “chào hàng” rau sạch qua kênh online, không ngờ lại phát huy tốt đa hiệu quả”.
Theo ông Bương, với 50 chủng loại rau củ quả các loại và đã có thương hiệu rau an toàn trên thị trường, HTX đã triển khai thu hoạch và đóng hàng theo Compo 10 kg/túi và nhận giao hàng sỉ và lẻ đến từng khu chung cư, khu phố. Chính vì vậy được người dân rất ủng hộ và đặt hàng qua mạng nhiều, giúp cho đầu ra các sản phẩm rau tươi của HTX cơ bản giải quyết thu hoạch rau đến đâu bán hết đến đó.
“Thú thực, lúc đầu chúng tôi bị bế tắc đầu ra nên các xã viên đành bàn nhau và xác định chỉ đem rau đi làm từ thiện mùa dịch là chính. Ấy thế mà khi sử dụng rau ngon chất lượng khiến người tiêu dùng đánh giá cao, nên tiếng lành đồn xa, bắt đầu số lượng đơn đặt qua mạng online cứ tăng lên mỗi ngày một nhiều. Thậm chí, có thời điểm HTX cung ứng được gần 5 tấn rau/ngày”, ông Bương phấn khởi khoe.
Đến nay, khi TP.HCM và các tỉnh thành đã được nới lỏng giãn cách, khiến số lượng đơn đặt hàng mua rau của HTX càng tăng mạnh. Do đó, thời điểm này HTX rau an toàn Tân Đông đang tiếp tục khẩn trương xuống giống đồng loạt, đúng quy trình để kịp thời có các sản phẩm rau sạch cung cấp cho khách hàng theo nhu cầu.
Theo nhận định của Ban quản trị HTX rau an toàn Tân Đông, rõ ràng “trong nguy có cơ” và chính nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất rau bài bản nên tạo được thương hiệu và giúp cho đầu ra ngay trong mùa dịch vẫn không bị bế tắc. Hơn nữa, qua đó HTX cũng đã rút ra được kinh nghiệm, cần phải có sự đồng lòng sản xuất đúng quy trình, tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” như vậy mới có được thị trường thuận lợi và không phụ thuộc vào thương lái, đem lợi nhuận cao cho bà con. Hiện trung bình, cứ mỗi công đất trồng rau, người dân hợp tác với HTX sẽ thu lãi không dưới 100 triệu đồng/năm.
Hợp tác xã rau góp phần ổn định thị trường
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 18 HTX chuyên sản xuất rau màu, với 796 thành viên, sản xuất trên diện tích 350 ha, đạt sản lượng khoảng 5.000 tấn rau các loại; tập trung nhiều nhất tại vùng sản xuất rau trọng điểm ở các huyện phía Đông. Trong đó, có 12 HTX đã có hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định hoặc có nhu cầu tìm kiếm thị trường mới với các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối tại TP.HCM. M.S
Theo Trần Trung-Minh Sáng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/rau-cong-nghe-cao-van-ban-chay-giua-dich-benh-d305515.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã