Nhiều doanh nghiệp chung nhận định này sau khi theo dõi truyền hình trực tiếp Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ và trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 10/11 mới đây cũng như thực tế phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua.
Quyết tâm của Chính phủ lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế |
Trong năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành rất mạnh mẽ, đó là “quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân”.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ: Nhìn vào 8 kết quả chúng ta đã đạt được nhờ sự chung sức, đồng lòng; sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; nhìn vào những thử thách mà chúng ta đã vượt qua, có thể nhận thấy rõ bức tranh kinh tế do Chính phủ điều hành đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ, đó là:
Việc tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã kiểm soát dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đánh giá “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, bão lụt…, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2% đến 3% , và các số liệu tăng trưởng GDP tăng 1,4 lần so với 2015 đã khẳng định: Tại Việt Nam, nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2020, đã khởi công 6/11 đoạn trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông. Những điều này cho thấy các đột phá chiến lược mang tính tập trung của Chính phủ mang đến những kết quả tích cực, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Chính phủ đã tập trung cơ cấu lại về đầu tư công, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt hệ thống doanh nghiệp Nhà nước được chú trọng; các quy định pháp luật liên quan được rà soát, hoàn thiện. Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Sự phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến.
Tinh thần khởi nghiệp lan toả rộng rãi; kinh tế tư nhân phát triển mạnh, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế. Kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển, xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả. Có thể nói hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được quyết liệt chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng.
Ông Nguyễn Khắc Long, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Airtech Thế Long |
Bày tỏ đồng tình với những thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm trong bài phát biểu và phần trả lời chất vấn tại nghị trường, ông Nguyễn Khắc Long, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Airtech Thế Long đánh giá, Thủ tướng đã đề cập một cách bao quát, toàn diện những vấn đề nổi cộm của đời sống kinh tế-xã hội đồng thời cũng chỉ rõ những giải pháp của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành để hoàn thành “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra cũng như thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Với góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Khắc Long cũng bày tỏ đồng tình với các chính sách của Chính phủ đối với việc cắt giảm thuế và chi phí hành chính, xóa bỏ các trở ngại về chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích tinh thân doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo.
Ông Long cho biết, điều gây ấn tượng rất lớn cho ông và cộng đồng doanh nghiệp là quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục; loại trừ các xung đột chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.
Kỳ vọng có giải pháp ngắn hạn và chiến lược dài hạn
Nhận định thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu, trong bối cảnh chung đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Tư vấn công nghệ xây dựng Archivina |
Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Tư vấn công nghệ xây dựng Archivina, cho rằng Chính phủ cần có giải pháp ngắn hạn và các chiến lược dài hạn như tăng cường tốc độ giải ngân các dự án vốn ODA, đặc biệt các dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tạo lợi thế cạnh tranh cho các đô thị và có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động phổ thông, lao động chất lượng cao.
“Chúng tôi mong muốn nhìn thấy những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao để tạo thế phát triển cân bằng hơn giữa đô thị và nông thôn. Mạnh dạn chuyển đổi mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, bảo đảm an ninh lương thực. Chuyển đổi mô hình giáo dục theo hướng phù hợp với nền kinh tế toàn cầu hoá. Chuyển đổi nền kinh tế theo hướng khai thác lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững...”, ông Lâm nói.
Với ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế, những giải pháp mà Chính phủ có thể tập trung đưa ra trong thời gian tới là:
Tiếp tục ưu tiên các biện pháp phòng, chống thiên tai bão lụt và kiểm soát dịch COVID-19 (để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh). Lắng nghe ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời các "nút thắt" cho doanh nghiệp phát triển.
Chú trọng công tác đào tạo, tái đào tạo nhân lực, tăng cường quản trị doanh nghiệp và tận dụng cơ hội khi tham gia, thực hiện các hiệp định thương mại tự do…
Nghiên cứu, hoàn thiện rà soát điều chỉnh các chính sách ưu đãi như các ưu đãi thuế, thuế suất… nhằm thúc đẩy và mở rộng nguồn thu ổn định, tạo nền tảng bền vững cho doanh nghiệp; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tốt cho người nộp thuế...
Thực hiện chính sách chi tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công làm động lực cho phát triển kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.
Chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên, khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép. chú trọng công tác quy hoạch xây dựng đập thủy điện, tăng cường phòng, chống, ứng phó các sự cố thiên tai.
Đại diện của doanh nghiệp ngành hàng không, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP, kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan bộ ngành đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo sát các khả năng kiểm soát dịch bệnh, gia tăng các biện pháp an toàn, cải thiện hệ thống hỗ trợ công tác phòng chống dịch, để có thể tính toán đến các bước thận trọng mở dần, có chiến lược, các đường bay quốc tế. Việc chọn lựa các đường bay quốc tế an toàn, song hành với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, theo dõi chặt chẽ, liên tục để ứng phó kịp thời, sẽ giúp cho hàng không, du lịch nhanh chóng phục hồi hơn, giảm bớt tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Tiếp tục các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tích cực phòng chống COVID-19, ngăn chặn nguy cơ bùng phát, để ổn định hoạt động của các doanh nghiệp và người dân, nhanh chóng phục hồi kinh tế đất nước.
Đồng thời, Nhà nước tham gia vào quá trình nghiên cứu nhu cầu thị trường, điều tiết vĩ mô, phân bổ thị trường một cách khoa học. Như vậy, nhu cầu chuyển dịch, đi lại sẽ gia tăng, phần nào đó sẽ giúp các hãng hàng không chuẩn bị những bước phục hồi nhanh chóng hơn.
Cuối cùng, Chính phủ tiếp tục có các cơ chế, chính sách để vừa tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng cũng bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, tạo sức khỏe tài chính, ít nhất là cho các doanh nghiệp chủ chốt, quan trọng trong đó có các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, có thể vững vàng vượt qua các khó khăn, biến cố, bất ổn trong tương lai./.
Nhóm PV/Chinhphu.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã