Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hải Dương cho biết: Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường, thị trường tiêu thụ biến động, tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp của Hải Dương vẫn đang triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung rau các loại trong vụ thu đông và đông xuân 2021.
Qua đó đảm bảo diện tích, sản lượng đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ của các doanh nghiệp, không để hoạt động sản xuất rau bị đứt gãy, đình đốn trong thời gian dịch bệnh Covid-19 cũng như nguy cơ khan hiếm nguồn rau xanh sau khi dịch bệnh được khống chế, nhất là dịp cuối năm.
Theo đó, Hải Dương sẽ tập trung mở rộng tối đa diện tích, gieo trồng các cây rau chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có thể bảo quản hoặc thu hoạch kéo dài như hành, tỏi, khoai tây, cà rốt… Riêng nhóm bắp cải, su hào, rau ăn lá, tiếp tục gieo trồng ở các vùng truyền thống, có kinh nghiệm sản xuất và thị trường ổn định.
Đặc biệt, chủ động khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất trọng điểm gieo trồng rải vụ, tránh gieo trồng tập trung, gây áp lực cho vận chuyển và tiêu thụ khi dịch bệnh bùng phát. Những nơi mới trồng chỉ nên mở rộng khi đã có hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Đến ngày 16/8, toàn tỉnh Hải Dương đã gieo trồng được khoảng 9.400 ha rau màu vụ hè thu, tăng hơn 100 ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng rau toàn tỉnh cung ứng ra thị trường vẫn duy trì trung bình khoảng 50.000 tấn/tháng. Với sản lượng này, vẫn đảm bảo đủ cung cấp cho tiêu dùng nội tỉnh và dư từ 10 - 30% cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Đối với cây vụ đông năm 2021 - 2022, Hải Dương đã lên kế hoạch gieo trồng 21.000 ha, trong đó cây rau thực phẩm chiếm 80% diện tích, tập trung một số cây chủ lực có diện tích, sản lượng lớn như hành, tỏi (6.300 - 6.500 ha), cà rốt (1.500 - 2.000 ha), su hào, cải bắp, súp lơ (4.000 - 4.500 ha), khoai tây (1.000 ha), ngô (khoảng 1.500 ha). Sản lượng cung ứng rau ra thị trường dự kiến khoảng 60.000 - 100.000 tấn/tháng trong các tháng cuối năm 2021.
Về kế hoạch tiêu thụ, từng loại rau cũng được lên phương án chi tiết, cụ thể: Su hào vụ đông, dự kiến sản lượng từ 8.000 - 13.000 tấn/tháng (20 - 30% tiêu thụ nội tỉnh, 70 - 80% tiêu thụ tại ngoại tỉnh); cải bắp dự kiến sản lượng 15.000 - 20.000 tấn/tháng (20% tiêu thụ nội tỉnh, 60 - 70% tiêu thụ ngoại tỉnh, 10% xuất khẩu); bí xanh, bí ngô sản lượng 3.000 - 5.000 tấn/tháng (40% tiêu thụ nội tỉnh, 10% phục vụ chế biến, 50% tiêu thụ ngoại tỉnh); cà chua 2.000 - 4.000 tấn/tháng (30% tiêu thụ nội tỉnh, 70% tiêu thụ ngoại tỉnh)...
Về phía các HTX, sản xuất rau cũng đã chủ động xây dựng phương án trồng rải vụ và chỉ mở rộng diện tích khi có hợp đồng tiêu thụ.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức xã Phạm Trấn (Gia Lộc, Hải Dương) cho biết: Hiện tại, HTX đang xuống giống cho vụ thu đông, dự kiến đầu tháng 9/2021 sẽ gieo trồng. Trước đây, thời gian thu hoạch rộ vụ thu - đông tập trung vào thời điểm tháng 1, tháng 2 dương lịch (trước và sau Tết nguyên đán).
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, HTX đã xây dựng phương án sản xuất theo kịch bản giữ nguyên diện tích gieo trồng, thay đổi cơ cấu giống để kéo giãn thời gian thu hoạch dàn đều ra các tháng, tránh tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến giá bán.
"Cụ thể, trên diện tích 37 ha của HTX, mọi năm có từ 25 - 27 ha gieo trồng su hào và bắp cải, nhưng vụ thu đông năm nay chỉ gieo trồng từ 15 - 17 ha, diện tích còn lại chuyển sang trồng một số loại quả như mướp, bầu, cà chua…", ông Thư cho hay.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) cho biết: Cà rốt là mặt hàng rau vụ thu đông chủ lực của HTX. Ngoài việc xuất khẩu tới 80%, thì miền Nam là thị trường tiêu thụ chủ yếu (chiếm 15 - 17%, miền Bắc chỉ tiêu thụ khoảng 3-5%).
Hiện tại, mặc dù hầu hết các tỉnh phía Nam tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ những tháng cuối năm dự báo sẽ có nhiều bất ổn, nhưng trong vụ thu đông năm nay, HTX vẫn không giảm diện tích trồng cà rốt.
Thay vào đó, HTX đã thông báo tới bà con kéo dài trà gieo trồng, phân thành từng trà cách nhau để vẫn đảm bảo diện tích, sản lượng mà vẫn tránh được tình trạng ùn ứ, thuận lợi cho tiêu thụ.
“Mọi năm thời gian gieo trồng tập trung vào tháng 7 và tháng 8, nhưng năm nay dự kiến đầu tháng 8 chúng tôi mới bắt đầu gieo trồng, cuối tháng 9 gieo mới hết”, ông Thuật cho hay.
"Vấn đề cần sớm được tháo gỡ để người dân yên tâm sản xuất hiện nay là việc các tỉnh hạn chế việc di chuyển qua lại để phòng chống dịch bệnh.
Bởi diện tích gieo trồng cà rốt trên địa bàn xã có khoảng 360 ha, ngoài ra người dân Đức Chính đi các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình… thuê đất trồng lên tới trên 1.300 ha.
Vì vậy, HTX đang tính kỹ phương án cho việc vận chuyển máy móc, thiết bị, bố trí lao động khi sang trồng cà rốt các ở các tỉnh ngoài ở vụ thu đông 2021, làm sao phải đảm "bám" luôn tại vùng trồng cho đến khi thu hoạch hết các diện tích.
Tuy nhiên, việc vận chuyển cà rốt ở các vùng trồng ngoài tỉnh về để sơ chế tại xã Đức Chính khi vào vụ thu hoạch sẽ được xử lý thế nào đang được người dân rất quan tâm".
(Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính)
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, hiện việc tổ chức sản xuất rau tại các vựa rau lớn của tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn. Giá vật tư phân bón, thuốc BVTV bắt đầu có biểu hiện khan hàng và tăng giá, đặc biệt phân bón.
Trong khi đó, các đại lý kinh doanh phân bón tại các địa bàn sản xuất rau hiện không còn chính sách cho phép nông dân mua nợ trả sau, mà chỉ nhập hàng tới đâu, bán tới đó, khiến phân bón không chỉ tăng giá mà nguồn cung cũng gặp nhiều hạn chế.
Trong khi đó, khâu tiêu thụ nông sản thời gian qua đã được tạo thuận lợi hơn, tuy nhiên nhiều xe vận tải vẫn tạm dừng hoạt động do tăng chi phí và không đáp ứng được các điều kiện cấp phép vào "luồng xanh"...
Phần lớn kho hàng trung chuyển của các công ty thu mua, cung ứng rau lớn hiện nay đều đặt tại Hà Nội, tuy nhiên việc Hà Nội đang giãn cách xã hội nên xe ra vào địa bàn Hà Nội để lấy hàng đi tiêu thụ tại các tỉnh cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó ở các vùng sản xuất rau trọng điểm của tỉnh Hải Dương, một số thôn, xã xuất hiện dịch Covid-19, phải phong tỏa cũng làm phát sinh thêm một số khó khăn như: Nguồn cung cấp nhân lực phục vụ sản xuất thiếu hụt do F0, F1, F2 phải cách ly.
Cán bộ chuyên môn khó vào vùng dịch để nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất và sâu bệnh hại. Các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng dịch vụ BVTV với nông dân ở địa phương (như tổ chức đánh chuột thuê, phun thuốc BVTV…) không thể vào triển khai.
Tại các vùng bị phong tỏa, vật tư phân bón, thuốc BVTV không vận chuyển vào để phục vụ sản xuất được, nông sản vùng dịch khó vận chuyển sản phẩm ra ngoài. Các cơ sở sơ chế, chế biến phải dừng hoạt động để tránh tụ tập đông người, một số thiếu nguồn cung nguyên liệu...
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức chuyên sản xuất rau ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc, Hải Dương) cho biết: Nhìn chung tất cả các loại rau tiêu thụ đều chậm hơn so với mọi năm. Vì vậy, giá bán các loại rau trung bình đều giảm 30% so với cùng kỳ các năm (mướp hương hiện có giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, bầu 5.000 - 6.000 đồng/kg, cà tím 6.000 - 7.000 đồng/kg…).
Theo Trung Quân/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/khong-de-het-dich-het-rau-d300422.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã