Nho rừng là loại trái đặc trưng trên địa bàn các xã Bình Trị và xã Bình An, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang), mỗi năm chỉ cho trái một mùa.
Làm rượu ngon từ trái nho rừng
Dây nho rừng có sức sống mãnh liệt, mùa khô co mình lại, mùa mưa phát triển tốt tươi và đơm hoa kết trái. Nho rừng thường bám vào những cây cao, bụi rậm trong rừng, cuống trái rất chắc.
Trái nho rừng chín mọc thành chùm như nho thường, có màu đen sậm và chỉ nhỏ bằng hạt cà phê. Nho rừng khi xanh có vị chua, lúc chín có vị ngọt, chát nhẹ.
Loại nho này nhìn rất giống trái giác nên dễ nhầm lẫn. Mỗi dây nho rừng có rất nhiều chùm, mỗi chùm từ 1kg trở lên. Thời điểm thu hoạch nho rừng vào 4 tháng cuối năm.
Tận dụng nguồn nguyên liệu nho rừng có sẵn ở địa phương, anh Danh Nguyên (sinh năm 1993), ngụ ấp Rạch Đùng, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề sản xuất rượu nho rừng.
Anh Danh Nguyên đã truyền cảm hứng cho thanh niên địa phương trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Chúng tôi thấy sản phẩm rượu nho rừng được đóng chai khá bắt mắt tại hoạt động trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương ngay ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Kiên Lương nhiệm kỳ 2020-2025 giữa đầu tháng 8-2020.
Sản phẩm rượu nho rừng được trưng bày thu hút nhiều đại biểu đến xem và tìm hiểu. Lâu nay, nho rừng là loại trái cây quen thuộc với người dân ở Bình Trị nhưng ít ai nghĩ tới việc có thể sử dụng nguyên liệu này để chế biển thành một loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng.
Sản phẩm rượu nho rừng của anh Danh Nguyên được ủ kín và lên men tự nhiên bằng quy trình thủ công khá độc đáo.
Rượu thơm nồng và mang hương vị đặc trưng của nho rừng, tạo khác biệt so những loại rượu khác. Thưởng thức rượu nho rừng lên men tự nhiên với hương vị ngọt thanh, dịu nhẹ pha chút vị cay, nhiều người khen rượu ngon.
Rượu nho rừng thơm ngon
Cũng vì hương vị này đã thôi thúc tôi tìm đến cơ sở sản xuất rượu nho rừng của anh Nguyên để tìm hiểu kỹ hơn về quy trình sản xuất và giấc mơ khởi nghiệp của chàng thanh niên trẻ tuổi này.
Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng Danh Nguyên vẫn quyết tâm mang hương rượu nho tự nhiên của mình bay xa hơn.
Anh Nguyên cho biết: “Một lần tình cờ đi công tác ở ấp, tôi được mời thưởng thức rượu nho rừng, thấy có vị lạ nên hỏi cách làm. Ban đầu ủ rượu, tôi còn thiếu kinh nghiệm nên rượu làm ra có vị chát, ít mật nho nhưng tôi không nản mà tiếp tục tìm tòi học hỏi trên mạng rồi làm từ từ cho ra sản phẩm rượu nho rừng thơm ngon như hiện nay”.
Rượu nho rừng làm ra rất thơm ngon lại tốt cho sức khỏe nên ban đầu anh Nguyên để dùng trong gia đình. Các dịp lễ, tết, anh thường mang ra mời bạn bè thưởng thức và lắng nghe ý kiến của họ để hoàn thiện sản phẩm.
Lâu dần, nhiều người thấy ngon nên đã đặt hàng cũng từ đó rượu nho rừng đã trở thành nghề của gia đình anh Nguyên.
Hiện anh Nguyên bán 2 loại rượu là nước mật nho rừng với giá 200.000 đồng/lít và rượu nho rừng pha sẵn với giá 150.000 /lít. Trong đợt thu hoạch nho rừng đầu tiên, Anh Nguyên đã bán trên 40 lít mật nho và rượu nho thành phẩm.
Theo anh Nguyên, làm rượu nho rừng không khó nhưng muốn làm rượu ngon phải có bí quyết riêng. Với anh, khâu ủ nho rất quan trọng.
Theo anh Nguyên, để có mẻ rượu thơm ngon, có hương vị đặc trưng cần chọn những trái nho rừng chín, sau đó ủ nho cho lên men tự nhiên theo một tỷ lệ nhất định là một lớp nho và một lớp đường phèn.
Thời gian ủ phải kéo dài khoảng 2 tháng mới có thể chiết mật nho ra và đổ rượu gốc vào để dùng. Rượu nho rừng ủ càng lâu hương vị càng đậm đà, thơm ngon và màu rất đẹp.
Hiện nay rượu nho rừng ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Do nho rừng chỉ cho trái khoảng 4 tháng cuối năm nên anh Nguyên nảy ra ý tưởng sẽ trồng loại cây dại này để tạo nguồn nguyên liệu sản xuất rượu.
Trên địa bàn xã Bình Trị vẫn chưa có ai trồng loại cây nho rừng này. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những nơi có trồng nho rừng để áp dụng trồng ở địa phương mình. Tôi sẽ thử nghiệm trồng nho rừng trên diện tích khoảng 2.000m2, nếu hiệu quả và cho năng suất cao tôi sẽ nhân rộng và hướng dẫn những thanh niên trên địa bàn khởi nghiệp bằng nghề trồng nho rừng và sản xuất rượu từ nguyên liệu trái cây này...”, anh Nguyên chia sẻ./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã