Học tập đạo đức HCM

Kinh tế hợp tác xã nỗ lực vượt khó

Thứ ba - 21/09/2021 01:24
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cả nước có khoảng 134 nghìn tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35.000 hợp tác xã với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp hợp tác xã với 1.100 hợp tác xã thành viên.

Hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể ở Than Uyên

Huyện Than Uyên (Lai Châu) có lợi thế 2 hồ thủy điện Bản Chát, Huội Quảng với nhiều vị trí lòng hồ bề mặt rộng từ 2-3km, mực nước sâu vài chục mét, nhiệt độ trung bình từ 16-28 độ C thuận lợi, lý tưởng để chăn nuôi cá nước ngọt chất lượng cao. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn còn có diện tích mặt nước ao, suối rộng. Vì vậy, tháng 1/2020, HTX Nông - Công nghiệp và Thương mại - Du lịch Than Uyên được thành lập, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm qua việc chế biến thủy sản; tìm đầu ra cho sản phẩm tươi sống; áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng và chế biến thủy sản.

htx-lai-chau.jpg
 

Bà Tô Thị Bắc – Giám đốc Hợp tác xã Minh Thuận (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Báo Lai Châu

Theo chia sẻ của anh Lê Tuấn Anh - Giám đốc Hợp tác xã Nông - Công nghiệp và Thương mại - Du lịch Than Uyên, với mong muốn phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị góp phần quan trọng giải bài toán về chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện HTX đang triển khai “Mô hình liên kết chuỗi nuôi trồng và chế biến thuỷ sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, bao tiêu sản phẩm đầu ra tại các siêu thị và cửa hàng như: Siêu thị Mega; Siêu thị xanh Phú Hưng; AT Max, Điểm bán xanh, Vint +”. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được HTX đầu tư giống, thức ăn chăn nuôi để yên tâm sản xuất. Đồng thời, HTX cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý.

Với cách làm này, HTX đã mở thị trường tại Hà Nội với 2 siêu thị nông sản, 2 nhà hàng Chả cá; vào được 215 siêu thị, của hàng thực phẩm sạch, nhà hàng (Siêu thị Mega, Big C, Vin +, Meat Deli, Tmart, Kmart....). Cung cấp 100 tấn cá sống, 40 tấn chả cá, 15 tấn ruốc cá, 12 tấn cá phi lê các loại. Cơ bản giải quyết đầu ra sản phẩm của hợp tác xã và một phần cho các hộ nuôi khác trong tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.

Những năm qua, HTX Minh Thuận (xã Phúc Than) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức chủ động tìm hiểu thị trường, huy động thêm vốn góp của các thành viên để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, doanh thu và lợi nhuận của HTX qua các năm đều có sự tăng trưởng, năm 2019 - 2020 doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng.

Được biết, HTX Minh Thuận thành lập tháng 12/2008, vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng. HTX hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính: chăn nuôi gia súc, gia cầm; kinh doanh thức ăn gia súc; bán buôn động vật tươi sống. Thực hiện mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, đảm bảo an toàn, HTX xây dựng quy định nghiêm ngặt từ việc lựa chọn con giống, thuốc thú y, thức ăn và quy trình chăn nuôi. HTX chủ động nguồn thức ăn từ khu đất 2,5ha trồng cỏ. Đồng thời, xây hầm tự hủy Bioga xử lý chất thải, hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong khu chăn nuôi và khu vực xung quanh. Sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế cho việc sử dụng kháng sinh, làm tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Từ năm 2019 – 2020, dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra trên phạm vi toàn quốc và trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhưng do HTX làm tốt từ quy trình kỹ thuật chăn nuôi do vậy không bị ảnh hưởng của dịch tả Châu phi đến sản lượng theo kế hoạch của HTX cung cấp cho thị trường. Nhờ vậy, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân có thu nhập thấp, đặc biệt giúp 3 hộ nghèo có công ăn việc làm ổn định với mức lương 5,5 - 6,0 triệu/ tháng; tạo việc làm cho 8-10 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 180-200 nghìn/ngày công. Mỗi năm thu nhập bình quân của HTX tăng 30%.

Được biết, đến hết năm 2020, toàn huyện Than Uyên có 50 HTX, dự kiến cuối năm 2021 có 52 HTX, tổng vốn đăng ký 185 tỷ 590 triệu đồng (tăng 46 HTX so năm 2002) với 1.050 thành viên. Chủ yếu hoạt động các lĩnh vực: nông nghiệp-thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng, vận tải... Các HTX đã thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Từ đó, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 900 lao động, thu nhập bình quân đạt 38,5 triệu đồng/người/năm. Đến nay, có 4 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP liên kết sản phẩm nông sản an toàn…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: “Hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện tổ chức linh hoạt, đáp ứng nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Có thể khẳng định, kinh tế tập thể đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 10,08%”.

Nhiều sản phẩn của TP. Lai Châu đạt OCOP

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhận thức của các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, phường và người dân thành phố Lai Châu đã hiểu rõ hơn về mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới; đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX.

Sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX dần trở thành động lực để phát triển bền vững. Nhiều mô hình mới hoạt động có hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân, từng bước khẳng định vai trò của khu vực KTTT, HTX trong tổng thể chung của nền kinh tế thành phố. Trong giai đoạn từ 2002-2021, trên địa bàn thành phố có 106 HTX được thành lập, với gần 820 thành viên, tổng mức vốn góp của các HTX đạt trên 189 tỷ đồng. Đặc biệt, có rất nhiều sản phẩm của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm OCOP như: rau xà lách thủy canh, cà chua, gạo dâu, bưởi da xanh, ổi không hạt…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn mới thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các HTX yếu kém; khuyến khích thành lập mới HTX, tổ hợp tác trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, du lịch... Tạo điều kiện hình thành các hình thức hợp tác trong sản xuất chế biến các sản phẩm nông nghiệp, HTX dịch vụ du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ HTX khá giỏi đạt trên 50%, tỷ lệ HTX yếu kém dưới 20%; có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xây dựng 100% các xã, phường có mô hình HTX liên kết xây dựng chuỗi các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP…

Ông Lê Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của KTTT; tiếp tục lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về KTTT; tăng cường phát huy nội lực của các HTX; chú trọng triển khai xây dựng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Kinh tế hợp tác xã Yên Bái vượt khó

yen-bai.jpg
 

Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Ảnh: B.T

Tính đến hết tháng 6/2021, tỉnh đã chuyển đổi, thành lập mới 552 HTX với 29.000 thành viên và 5.126 THT, tổng vốn điều lệ của các HTX đạt trên 1.328 tỷ đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, đã thành lập mới 51 HTX, đạt 85% chỉ tiêu cả năm, tăng 59% so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 945 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 195 triệu đồng/HTX, tăng 10,4% so cùng kỳ. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,65 triệu đồng/người/tháng. 

6 tháng đầu năm, khu vực KTTT, HTX đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 79 tỷ đồng. Các HTX trên địa bàn hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng tập trung vào nông - lâm, ngư nghiệp với 335 HTX, chiếm trên 60% số HTX. 

Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với rủi ro cao bởi phụ thuộc vào thời tiết, đến dịch bệnh, thị trường…, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 diễn biến hết sức phức tạp, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch và các biện pháp, giải pháp cụ thể, linh hoạt từ điều hành đến sản xuất và gặt hái những kết quả tốt. Nhiều HTX áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đầu tư xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm… 

Tiêu biểu như HTX Chăn nuôi MQ (Trấn Yên), HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An (Yên Bình), HTX Sản xuất kinh doanh miến dong Giới Phiên (TP. Yên Bái)… Trong lĩnh vực tín dụng, 17 quỹ tín dụng nhân dân với trên 19 thành viên hoạt động ổn định, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho các HTX, xã viên và nông dân đầu tư phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn trên 1.228 tỷ đồng. 

Đặc biệt, các THT đã phát huy được vai trò tích cực, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, tạo mối liên kết, hợp tác giữa những cơ sở sản xuất nhỏ với nhau. Trong 6 tháng đã thành lập mới 685 THT, đưa số THT toàn tỉnh lên 5.126 tổ với trên 30.000 thành viên, quan trọng hơn các THT đã hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho các thành viên một cách hiệu quả. 

Có thể khẳng định, trong những tháng đầu năm 2021, KTTT mà nòng cốt là các HTX, THT trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid- 19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho các thành viên, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và cùng với tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Năm 2025, cả nước sẽ có trên 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22-7-2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của kế hoạch là phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia hợp tác xã và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cả nước có khoảng 134 nghìn tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35 nghìn hợp tác xã với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp hợp tác xã với 1.100 hợp tác xã thành viên.

Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 24%.

Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Xử lý dứt điểm tình trạng các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều hình thức đa dạng

Theo định hướng, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực quốc gia, của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, củng cố và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các hợp tác xã hiện có. Phát triển các mô hình hợp tác xã gắn với các chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề, xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương; xây dựng các hợp tác xã dịch vụ công nghiệp ở các làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, tại các cụm công nghiệp, tạo tiền đề cho việc hình thành, phát triển các làng nghề mới, hỗ trợ các hợp tác xã hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới công nghệ và sản phẩm, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất.

Nghiên cứu từng bước xây dựng một số liên hiệp hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở những vùng có nhiều làng nghề, cụm công nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, mở rộng quy mô và phát triển các hợp tác xã dịch vụ vận tải, du lịch kết hợp với mua sắm theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng loại hình hợp tác xã thương mại trở thành cầu nối cung ứng hàng hóa, dịch vụ của hợp tác xã và thành viên với hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối; phát triển hợp tác xã theo hướng kinh doanh tổng hợp (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ)…

Theo V.N (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/kinh-te-hop-tac-xa-no-luc-vuot-kho-post45605.html
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập174
  • Hôm nay26,359
  • Tháng hiện tại932,461
  • Tổng lượt truy cập90,995,854
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây