Mới đây, Hà Nội đã tổ chức hội thảo triển khai Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ở cấp thành phố hiện có 17 đơn vị xác định lập dự án và tiến hành thuê tư vấn, 1 đơn vị đã gửi hồ sơ là Công ty Giống gia súc Hà Nội với liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức chăn nuôi, thu mua gắn với tiêu thụ bò thịt lai BBB.
Dự kiến 3 tháng cuối năm, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định, xét duyệt, trình UBND thành phố phê duyệt, hỗ trợ cho 3-5 dự án liên kết. Ở cấp huyện, Thanh Trì đã triển khai 2 chuỗi liên kết được thành phố chứng nhận gồm mô hình nhóm hộ liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ rau an toàn với hơn 150 gia đình ký hợp đồng với HTX An Phát trên tổng diện tích hơn 30 ha, giá thu mua ổn định và cao hơn thị trường 10-15%.
Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thịt lợn theo chuẩn VietGAP giữa trang trại Tiến Thành và Công ty cổ phần thực phẩm Song Đạt với sản lượng trung bình 12 tấn/tháng, cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng truy xuất bằng mã QR code với giá bán cao hơn giá thị trường 10%.
Huyện Thường Tín đã xây dựng 16 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết trong đó có 6 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi và 4 chuỗi liên kết giết mổ. Tuy quy mô của các mô hình không lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá, giảm diện tích đất hoang hóa, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Chương Mỹ đã xây dựng xong đề án của mình với mục tiêu phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực gồm rau an toàn, bưởi, gạo chất lượng cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Nghị định 98 là chính sách mới, các cấp tổ chức thực hiện vẫn còn đang lúng túng. Nhiều quận, huyện, thị xã chưa ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định dự án liên kết cũng như các kế hoạch để triển khai. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất có liên kết chuỗi sản xuất nhưng chưa chủ động nghiên cứu, tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp -PTNT Hà Nội nếu để nông dân tự sản tự tiêu như từ trước tới nay sẽ có những hạn chế về chất lượng sản phẩm, về việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, dễ lâm vào tình trạng nông sản “sáng tươi, chiều héo”.
Hiện thành phố mới chỉ có 141 chuỗi nông sản. Phát triển nông nghiệp hiện đang gặp rào cản lớn bởi ruộng đất sản xuất rất manh mún nên cần phải liên kết nông dân lại với nhau trong các tổ hợp tác, hợp tác xã rồi từ đó liên kết với các doanh nghiệp đầu tàu.
Nếu không tập trung được nguồn lực tổ chức kết nối để sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị thì động lực phát triển ngành nông nghiệp sẽ bị triệt tiêu đi rất nhiều. Bởi vậy, điều quan trọng là những doanh nghiệp đầu mối chuỗi, khi phát triển vùng nguyên liệu sẽ phải đưa ra các tiêu chuẩn để nông dân theo đó mà tham gia, hợp tác.
Đối với nông dân, phải thay đổi tư duy, cách làm và chấp nhận những quy định, ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm trong các khâu của sản xuất. Nghị định 98 là động lực để phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, khuyến nông, đào tạo, tập huấn; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm...
Nguồn tin: Đinh Thanh Huyền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã