Ngày 4/6, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt "Chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045".
UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Sâm Ngọc Linh hay Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha & Grushv.) là một trong 10 loài thuộc chi Panax được phát hiện lần đầu tiên tại vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum năm 1985.
Sâm Ngọc Linh là loài sâm đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, là một nguồn gen quý hiếm có giá trị rất cao được xếp ngang hàng với các loại sâm quý trên thế giới, bởi lẽ trong Sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin khá cao, đặc biệt là nhóm dammaran với các hợp chất saponoside đại diện chính là MR2, Rb1 và Rg1 (Trần Công Luận, 2003); theo ghi nhận của Bộ Y tế, Sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định. Trong khi Hồng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên là 2 loại sâm thượng hạng trên thế giới, nhưng chỉ chứa khoảng 25 loại saponin (sâm tươi), hoặc 32 loại saponin (sâm khô) khác nhau. Bằng chứng khoa học đã cho thấy giá trị sử dụng của Sâm Việt Nam có tác dụng cao hơn so với các sản phẩm sâm hiện đang lưu hành trên thị trường thế giới cũng như nhập khẩu vào Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của Sâm Ngọc Linh, Chính phủ đã thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030 tại Văn bản số 7168/VPCP-KGVX ngày 11/9/2015; Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 24/09/2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở đó, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã bố trí nguồn lực địa phương và xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn; đến nay đã đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền núi 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, cơ sở hạ tầng vùng sâm được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
"Tuy nhiên, để phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian đến, ngang tầm với ngành sản xuất Sâm Hàn Quốc, cũng như khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên của quốc gia; UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng và trình phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045", Tờ trình nêu rõ.
Được biết, cây Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia, là "Quốc bảo" của Việt Nam. Do vậy, phát triển cây Sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm đóng vai trò rất quan trọng.
Đặc biệt, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách, để bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh.
Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được xác định khoảng 16.000ha, đến nay diện tích thực tế trồng được gần 10.000ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.
Mục tiêu của Quảng Nam từ năm 2025 - 2030 sẽ trở thành Trung tâm giống Sâm Ngọc Linh Quốc gia; Hằng năm sản xuất ra được 5 - 10 triệu cây/năm giống Sâm Ngọc Linh (trong đó trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô) để cung cấp cho nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu và chế biến sản phẩm, đón từ 5 - 10 triệu lượt khách đến tham quan vùng sâm, thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm.
Đến năm 2045, đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất Sâm của Hàn Quốc; hằng năm sản xuất ra được từ 500 - 1.000 tấn...
Theo Trương Hồng/danviet.vn
https://etime.danviet.vn/loai-cay-quy-giup-nguoi-dan-bo-tui-3000-4000-usd-moi-nam-2021060410300915.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã