Bà con nhân dân huyện Yên Sơn tích cực xây dựng nông thôn mới. |
Trong những ngày tháng 9, khi chúng tôi đến xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên mới thấy rõ hơn sự chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương. Mặc dù, địa phương đã hoàn thành 13/19 tiêu chí, nhiều tiêu chí còn đang “chấp chới” giữa các mức khác nhau nhưng vượt qua những khó khăn đó, theo dự kiến đến cuối năm 2020 xã Phù Lưu sẽ phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí theo đúng kế hoạch đề ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Bảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phù Lưu cho biết, Phù Lưu là xã trọng điểm của vùng sản xuất cam sành huyện Hàm Yên với trên 2.400 ha, từ cây trồng này giúp người dân có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Cùng với việc phát triển cây cam sành, hiện nay xã Phù Lưu cũng đang tập trung phát triển cây chanh tứ mùa mang lại giá trị kinh tế cao. Từ việc nhân rộng và phát triển cây chanh tứ mùa nhiều hộ dân đã xây được nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Để làm được điều đó, theo ông Bảo, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền để nhân dân phát triển kinh tế, MTTQ xã còn huy động sức dân xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất xây dựng đường giao thông nội đồng …
Không chỉ huyện Hàm Yên mà những ngày này huyện Yên Sơn cũng đang tích cực triển khai các hoạt động để nâng cao hơn nữa các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện Yên Sơn đang chú trọng phát triển các loại cây ăn quả cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện Yên Sơn hiện có 6 xã về đích NTM.
Thành công trong xây dựng NTM có được nhờ những bước chân không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ cơ sở trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến ngày công để địa phương hoàn thành các tiêu chí.
Theo bà Phạm Thị Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Sơn, năm 2019, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các đoàn thể huy động sức dân làm 31,4 km kênh mương nội đồng, bê tông hóa được 15,2 km đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân đóng góp thêm kinh phí cùng với nguồn lực từ Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa trên địa bàn huyện... Không chỉ đóng góp tiền mặt, ngày công tham gia xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, đoàn viên, hội viên, nhân dân còn hiến đất, không đòi hỏi đền bù.
Bên cạnh xây dựng hạ tầng nông thôn, đối với những tiêu chí khó hơn như tiêu chí về nhà ở, Ủy ban MTTQ huyện cũng đã tiến hành phẩm định để những hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ làm nhà ở mới. Trong năm 2019, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tiếp nhận, vận động hỗ trợ làm nhà cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn.
Bên cạnh tiêu chí về nhà ở, tiêu chí về vệ sinh môi trường cũng được MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp phối hợp hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 562 tổ, nhóm tự quản về môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…
Từ kết quả đạt được cho thấy vai trò của MTTQ không chỉ góp phần vào thành công chương trình xây dựng nông thôn mới mà còn thắt chặt mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư, củng cố lòng tin giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.
Theo Phương Nguyên/mattran.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã