Quảng Trị : Nhân rộng mô hình trồng cây cà gai leo ở xã Lìa
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm gần đây, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khuyến khích, hỗ trợ người dân trên địa bàn đầu tư phát triển nhiều mô hình cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt gần đây, xã đã liên kết với doanh nghiệp triển khai mô hình cây dược liệu cà gai leo, giúp người dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Mô hình được người dân hưởng ứng và bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Bí thư Đảng ủy xã Lìa Hồ A Dược cho biết: “Mô hình cà gai leo ở xã bước đầu rất khả quan. So với các niên vụ trồng sắn trước đây thì hiệu quả kinh tế của cây cà gai leo cao gấp rất nhiều lần, vì trồng sắn lâu năm đã dần kém hiệu quả do đất bạc màu. Hiện nay, nhiều hộ dân có nguyện vọng được tham gia mô hình này nên xã tiếp tục vận động thực hiện chuyển đổi cây trồng, trong đó ưu tiên cây cà gai leo. Cần tập trung chuyển đổi các diện tích sắn lâu năm, kém hiệu quả và các diện tích tràm đã thu hoạch. Trên cơ sở xã liên doanh liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm cà gai leo ổn định được đầu ra nên người dân cũng yên tâm để nhân rộng mô hình”.
Nghệ An đặt mục tiêu gieo trồng 37.635 ha cây trồng vụ đông
Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tổ chức sản xuất vụ đông năm 2020.
Tinh thần chung được thống nhất cao là: Căn cứ vào kế hoạch, điều kiện cụ thể của từng địa phương, để xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông sản lợi thế gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập; sản xuất theo hướng cây ngô lấy hạt, làm thức ăn thô xanh cho bò và thu hoạch bắp tươi; cây rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cây lạc sản xuất giống cho vụ xuân, trong đó, đặc biệt đẩy mạnh mở rộng diện tích rau các loại, nhất là các cây rau mang lại giá trị cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh: Với đặc thù thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lụt trong vụ đông, bên cạnh các giải pháp về phòng trừ sâu bệnh, thời vụ, các địa phương và ngành thủy lợi phải tính toán, có kế hoạch gieo trồng sát với tình hình thực tế để vừa giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng cây trồng vụ xuân 2021.
Hết sức tập trung thực hiện tốt việc tưới và thoát nước, tiêu úng, xây dựng phương án chủ động thoát nước để chống úng cục bộ đối với cây trồng, trong đó cần quan tâm nhất là lạc, rau màu và một số vùng ngô, rau trên đất 2 lúa trong mùa mưa bão.
Hà Tĩnh : Khai thác tiềm năng 3 vùng sinh thái, nâng cao giá trị cho nông sản Kỳ Anh
Khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị là hướng đi chiến lược trong nhiệm kỳ mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Kỳ Anh là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh xây dựng thành công mô hình Hội quán chế biến hải sản liên xã (huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh) nhằm mở rộng và nâng tầm sản phẩm OCOP. Hội quán đã đi vào hoạt động được 5 tháng với 60 thành viên tham gia “cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng”, trong đó có 6 thành viên đã xây dựng thành công 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lê Văn Trọng cho biết, Kỳ Anh tiếp tục quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết chuỗi sản phẩm hàng hóa chủ lực ở các vùng sinh thái theo 3 cấp độ: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực tỉnh; nhóm sản phẩm đặc thù địa phương.
Từ đó, khai thác mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, lợi thế, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phấn đấu đưa bình quân giá trị sản phẩm chủ lực trên một ha từ 88 triệu đồng hiện nay tăng lên trên 120 triệu đồng vào năm 2025.
Thừa Thiên - Huế: Hiệu quả từ cây thanh trà
Bên cạnh thanh trà Thủy Biều đã có thương hiệu nhiều năm nay, hiện, chất lượng thanh trà ở Dương Hòa, Thủy Bằng (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) cũng được đánh giá cao nên được người mua tìm đến tận gốc, tận vườn.
Chất lượng được nhận định không thua kém những nơi trồng thanh trà khác ở Huế và giá cả phải chăng, thanh trà Dương Hòa, Thủy Bằng được người tiêu dùng đón nhận và không ít lần đạt giải cao tại các hội thi thanh trà Huế.
Cũng từ điều này mà tới đây, từ 90,5ha tổng diện tích thanh trà hiện tại, Dương Hòa và Thủy Bằng sẽ tiếp tục mở rộng thêm chừng 20 – 25ha thanh trà cả ở 2 địa phương. Nhưng đó là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, theo thông tin từ ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, tổng diện tích trồng mới thanh trà ở Dương Hòa, Thủy Bằng phải trên 100ha.
Vậy Hương Thủy dựa vào đâu để mở rộng gấp đôi diện tích trồng thanh trà. Và việc mở rộng này trong khi tổng diện tích trồng thanh trà toàn tỉnh đã có cả ngàn ha thì liệu, thị trường có bão hòa, rớt giá?
Là loại cây đặc hữu, cho quả ngon nên từ lâu, thanh trà Huế nói chung, thanh trà Dương Hòa, Thủy Bằng nói riêng trên thị trường cung không đủ cầu. Còn tại vườn, kể cả khi rớt giá như năm nay, nhưng do thanh trà được mùa, sản lượng lớn và tỷ lệ thuận với sức mua nên người trồng lãi gấp 2-3 năm trước.
Thanh trà Dương Hòa năm nay được mùa. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế.
Một so sánh để thấy, nếu như 1ha keo tràm cho thu hoạch cao nhất 80 triệu đồng; 1ha đậu phụng cho thu hoạch cao nhất 50 triệu đồng, thì với 1ha thanh trà trong thời kỳ cho trái ổn định, trung bình mỗi năm, người trồng thu về trên 200 triệu đồng, trong khi, công cán, chi phí trồng thanh trà “nhẹ” hơn nhiều lần so với trồng keo tràm, đậu phụng.
Cũng do là loại cây đặc hữu nên thanh trà chủ yếu được trồng ở vùng đất bán sơn địa, ở các bãi bồi ven sông. Và đó cũng là lợi thế của Hương Thủy khi mà Thủy Bằng, Dương Hòa có rất nhiều diện tích đất dọc sông Hương – nơi rất thích hợp để trồng loại cây này. Đồng nghĩa, khi mở rộng diện tích, thanh trà sẽ dần thay thế keo tràm, đậu phụng, vườn tạp và tre nứa dọc sông.
Hơn 10 năm theo dõi những “chuyển động” của thanh trà, ông Tập khẳng định, chưa năm nào thứ quả đặc sản này “đứng”. “Không chỉ trong tỉnh mà chừ đi mô cũng thấy, cũng nghe người ta hỏi thanh trà Huế. Nói chung, cung không đủ cầu nên đầu ra cho thanh trà không phải quá lo một khi diện tích được mở rộng thêm”, ông Tập khẳng định.
Tất nhiên, những người “hoạch định” thanh trà ở Hương Thủy cũng không chủ quan khi bên cạnh mở rộng diện tích, những thứ như tinh dầu thanh trà, mứt vỏ thanh trà chính là phương án 2 cho đầu ra nếu quả thanh trà “bỗng dưng bị ế”.
Sắp tới, Hương Thủy sẽ chủ động tìm nguồn bao tiêu, tăng cường mở rộng liên doanh liên kết, phục tráng các diện tích thanh trà cổ lão (chủ yếu ở Thủy Bằng) và phát triển các diện tích trồng thanh trà trên cơ sở đảm bảo, nâng cao chất lượng như Kế hoạch 159 về phát triển vùng nguyên liệu trồng bưởi thanh trà đến 2025 của UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đề ra.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã