Những năm gần đây, nhiều người dân ở xã Hải Quang (huyện Hải Hậu, Nam Định) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng, một loại cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong những người đi đầu trong phong trào phát triển cây dược liệu, nhất là cây đinh lăng, ông Bùi Văn Sớm (SN 1963, xóm 12, xã Hải Quang) hiện đang sở hữu diện tích trồng cây đinh lăng lớn nhất xã với quy mô 8,5 mẫu Bắc bộ (tương đương 3ha).
Toàn bộ khu vườn đinh lăng của gia đình ông Sớm được quy hoạch rất bài bản, khang trang, lối đi sạch sẽ và được chọn là khu vườn kiểu mẫu đạt tiêu chí cao tại địa phương. Ông bảo: “Tôi phải mất gần 20 năm mới có được một khu vườn như thế này đấy”.
Hồi ức về quá khứ, ông Sớm chia sẻ, sau khi xây dựng gia đình, ông làm đủ thứ nghề từ thợ xây, đãi vàng, cho đến làm than… để nuôi gia đình; nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy ông.
Đầu năm 2002, trong 1 lần đi làm, vô tình biết đến mô hình cây đinh lăng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Sớm đã nảy ý định làm giàu từ loại cây dược liệu này.
“Rất may, gia đình có người thân đang làm việc trong ngành Dược sĩ nên tôi đã nhờ tư vấn. Được người thân ‘vạch đường, chỉ lối’ và cho hay cây đinh lăng sẽ còn phát triển trong tương lai nên tôi nghỉ công việc nặng nhọc, chuyển sang trồng cây này”, ông Sớm nhớ lại.
Thời gian đầu, ông dành thời gian 6 tháng đi học cách sấy củ, rễ đinh lăng tươi. Khi có kiến thức về kĩ thuật sấy, ông bắt đầu đi lang thang khắp các xã, huyện trong tỉnh để mua lại cây đinh lăng tươi, đạt tiêu chuẩn, đem về sấy khô rồi bán cho các cửa hàng thuốc nam. Lúc đó, chủ yếu lấy công làm lãi.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu tươi ngày càng ít, không đủ để sấy khô cung cấp ra thị trường; cuối năm 2002, ông Sớm lên UBND xã xin chính quyền địa phương chuyển đổi 6 sào diện tích 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng.
Ông Sớm kể: Những năm 2002 trở về sau, đinh lăng “sốt” giá. Giá bán cao ngất ngưởng, khoảng 50.000đ/kg cành tươi, 25.000 - 30.000đ/kg củ tươi.
“Tại sao giá bán cành lại cao hơn củ?”, tôi thắc mắc. Ông Sớm giải thích: “Thời điểm đó, cây đinh lăng “sốt” giá nên người dân đua nhau mua cành về trồng, nên có sự chênh lệch về giá”.
Theo ông Sớm, trong 3 năm đầu, ông đã kiếm được mấy trăm triệu đồng nhờ cây đinh lăng. Song, giá bán kéo dài được khoảng 6 năm thì “xuống dốc không phanh”. Lý do, nhiều người trồng, nguồn cung nhiều hơn cầu nên giá bán buộc phải hạ xuống.
Dẫn chúng tôi đi tham quan 1 vòng vườn đinh lăng, ông Sớm nói, trước thực trạng thị trường có sự biến động, ông đã kết nối, kí hợp đồng với Công ty Traphaco để được hướng dẫn quy trình sản xuất đinh lăng sạch.
Sau khi đinh lăng đạt tiêu chuẩn, đủ tuổi xuất bán thì công ty sẽ thu mua lại thành phẩm đinh lăng của gia đình ông. Nhờ đó, đầu ra không bao giờ “bế tắc”, giá bán ổn định.
Làm ăn thuận lợi, năm 2012 ông Sớm quyết định mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng đinh lăng. Ông tận dụng triệt để những khoảng đất trống để trồng đinh lăng.
Dừng chân lại ở mảnh vườn có hàng trăm cây đinh lăng xanh mơn mởn, sắp đến ngày thu hoạch, ông Sớm bộc bạch: Toàn bộ vườn đinh lăng được sản xuất theo quy trình GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới).
Để có đủ nguồn cung cho công ty, ông đã kêu gọi 28 hộ dân trong khu vực trong xã cùng nhau liên kết sản xuất lăng sạch. Trung bình, mỗi năm ông Sớm chịu trách nhiệm cung cấp khoảng 100 tấn đinh lăng tươi cho công ty.
“Sau khi thu gom đủ 100 tấn đinh lăng tươi (gồm củ, rễ) từ các hộ gia đình, thì tôi sẽ phân loại và sấy khô, sau đó cung cấp sản phẩm khô cho công ty. Hiện, công ty đang thu mua với giá đồng nhất 15.000đ/kg.
Trường hợp, giá thị trường cao hơn 15.000đ/kg, thì công ty sẽ thu mua theo giá thị trường. Nếu thấp hơn 15.000đ/kg thì công ty vẫn thu mua cho bà con với mức giá như đã kí hợp đồng nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất”, ông Sớm chia sẻ thêm.
Theo ông Sớm, trồng đinh lăng không quá khó nhưng không vì thế mà chủ quan. Trước khi trồng phải cải tạo lại đất, xử lý bằng vôi bột và lân. Tiếp đến kéo vồng đất cao 50cm, với mục đích tránh ngập úng; bởi đinh lăng là cây chịu hạn, không ưa đọng nước.
Về cây giống, chọn cành đẹp, đủ tiêu chuẩn (cành bánh tẻ), để cây phát triển nhanh, tỉ lệ sống cao. Do, đinh lăng phát triển mạnh từ tháng 7 - 9 Âm lịch, nên khi vào vụ mới nên chọn khung thời gian này để xuống giống.
“Quá trình trồng, các hộ dân đều ghi chép nhật kí chăm sóc đầy đủ, từ ngày xuống giống, ngày bón phân…, và hàng tháng gửi dữ liệu về công ty kiểm soát. Sau 3 năm trồng, công ty sẽ cử đoàn về kiểm tra, đồng ý cho thu hoạch mới được thu hoạch”, ông Sớm thổ lộ.
Với gần 20 năm kinh nghiệm trồng cây đinh lăng, ông Sớm nhấn mạnh: Muốn trồng cây gì, trước hết phải yêu cây đó; chăm sóc cây như chăm con mình, không phải trồng xong là để đó mà cây tự phát triển được. Bởi thế, ông luôn quan niệm “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông đã “đổ” vào mảnh vườn này khoảng 7 tỷ đồng. Với diện tích gần 3ha, gia đình ông đang canh tác 56.000 gốc đinh lăng theo phương thức trồng cuốn chiếu. Bên cạnh đó, có trồng xen canh cây na, bưởi… Theo tính toán, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng, đã trừ chí phí.
“Có được thành quả như ngày hôm nay là niềm tự hào của gia đình và là vườn kiểu mẫu đại diện cho địa phương đón các đoàn khách đến tham quan. Mỗi năm, khu vườn của gia đình tiếp đón khoảng 50 đoàn khách. Năm 2019, gia đình vinh dự được đón tiếp đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, dẫn đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đến tham quan, động viên…”, ông Sớm kể.
Theo Mai Chiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã