Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã phòng, chống và ngăn ngừa được dịch bệnh Covid-19, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của, đồng thời duy trì được sự ổn định và tăng trưởng kinh tế dương, được WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là thành quả nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Chủ động, kịp thời có biện pháp ứng phó với các tác động bất lợi của dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp rất quan trọng của ngành Ngân hàng. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%””.
Thủ tướng đánh giá cao, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 03 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5-2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực. Đồng thời đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động của NHNN trong phối hợp các Bộ, Ngành làm việc với các đối tác quốc tế như đánh giá đa phương của Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam; đánh giá của Bộ Tài chính Hoa kỳ và các cơ quan của Hoa Kỳ đối với Việt Nam...
Toàn cảnh Hội nghị
Theo Thủ tướng, chính những kết quả tích cực của toàn ngành Ngân hàng đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các TCTD Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 NHTM của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất Châu Á -Thái Bình Dương, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei). Đây là những kết quả quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự nỗ lực và biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng đánh giá cao sự thẳng thắn, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, cần quan tâm xử lý trong thời gian tới trong ngành Ngân hàng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng. Vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN và các TCTD cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng đã đạt thành công lớn nhưng không được chủ quan. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có thể diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ, có những phương án, đối sách phù hợp kịp thời.
Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngân hàng trong năm 2021
Về nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, NHNN cần tập trung xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án tổng thể của ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2025 để sớm ban hành và triển khai áp dụng ngay trong năm 2021 theo đúng chủ trương và định hướng nêu tại Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giai đoạn 2021-2025; Xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để ứng phó trong tình trạng mới trên các lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân hàng.
Thủ tướng cũng quán triệt tinh thần đối với các cấp, các ngành và toàn ngành Ngân hàng là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, phải có bước tiến mạnh mẽ trên phương án chặt chẽ. NHNN cần tính toán tăng trưởng tín dụng năm 2021 hợp lý để đóng góp vào tăng trưởng chung của Việt Nam; Tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội..
Thủ tướng cũng yêu cầu “dứt khoát ngành Ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao…”. Ngân hàng không chỉ cho vay vốn mà còn hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn như hiện nay, ngành Ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị
Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra bài toán và yêu cầu đối với ngân hàng là vừa giảm thiểu nợ xấu gia tăng, vừa xử lý thành công nợ xấu tồn đọng, vừa bảo đảm hệ thống các TCTD và từng tổ chức phát triển ổn định, bền vững, trong đó hướng đến mục tiêu có một số NHTM lọt vào tốp đầu các ngân hàng lớn nhất, chất lượng tốt nhất, hiệu quả nhất trong khu vực.
“Chúng ta có 49 NHTM, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.182 Quỹ tín dụng nhân dân với số dư tín dụng đến 9 triệu tỷ đồng, con số rất lớn nên phải giám sát, thanh tra thế nào”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Trong bối cảnh diễn biến thị trường và thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không thuận lợi đến công tác kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng, công tác truyền thông tiếp tục được NHNN triển khai hiệu quả trong việc truyền dẫn chính sách, đóng góp tích cực trong việc thực hiện và tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời, là công cụ lắng nghe dư luận để xây dựng, hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tiễn; kịp thời giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và điều hành vĩ mô của Chính phủ, NHNN.
Có 6,5 nghìn cán bộ thuộc hệ thống NHNN từ Trung ương đến địa phương, hơn 352.000 cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống TCTD, NHTM, do đó, ngành Ngân hàng cần chú ý đào tạo nguồn nhân lực với yêu cầu mới, con người là yếu tố quyết định.
Thủ tướng cho rằng, ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
“Tập thể Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các NHTM tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo niềm tin lớn, ý chí hành động quyết liệt, bàn tiến, không bàn lùi”, Thủ tướng nói.
VA - NH/https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu?_afrLoop=1608991416.034
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã