Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mặc dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.
Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể: Cao su (+41,3% khối lượng, +80% giá trị), chè (+0,1% và +4,5%), hạt điều (+22,2%, +11,1%), sắn và sản phẩm từ sắn (+16,3%, +30,5%). Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 155 nghìn tấn, giảm 6,7%), nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 499 triệu USD, tăng 40,5%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD (+74,8%), mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD (+78,8%); tôm 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%. Về thị trường xuất khẩu: Có 4 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất (Mỹ và Trung Quốc) thời gian qua được duy trì tốt.
Theo Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dịch Covid-19 đã dẫn đến sự bất cân xứng về thị trường xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, cơ cấu thị trường Mỹ đã vượt qua thị trường Trung Quốc. Cạnh đó, thị trường trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM, hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hàng hóa, nông sản khó tiêu thụ. Với các sản phẩm vào mùa vụ thu hoạch, Bộ NN&PTNT đã làm việc với ba tỉnh Sơn La, Đồng Tháp, Vĩnh Long với ba nhóm sản phẩm là khoai lang, ớt, xoài. Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc…, để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. Hỗ trợ Tập đoàn Central Retail, trao đổi Tham tán nông nghiệp kết nối với các địa phương, doanh nghiệp để xuất khẩu vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Thái Lan. Phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, điều tra nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tham mưu nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước, đảm bảo hài hòa cân bằng cán cân thương mại. Tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; (4) Đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU...
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong nửa đầu năm 2021, trong nước đã xây dựng được 6 mô hình về “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị” (lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cà phê vùng Tây Nguyên).
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2-3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn kế hoạch giao là 3 tỷ USD). Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường năng lực chế biến, liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu - chế biến - thị trường; nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các bộ sẽ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung và cầu. Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, trung tâm thương mại hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm. Cần tính toán lại thời vụ, tránh trùng thời vụ với nước mà Việt Nam xuất khẩu nông sản sang đó, thậm chí là những nước xuất khẩu sang thị trường đó. Nếu làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin cung - cầu thì chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch Covid-19.
HNN (mard.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã