Qua gần 2 năm triển khai, dễ thấy chương trình OCOP – Mỗi xã một sản phẩm vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Dù vậy không thể phủ nhận chương trình đã thổi một làn gió tươi mát, giúp xua tan đi những cơn hanh khô của mảnh đất khó.
Tiếp thu nghiêm túc chủ trương, định hướng của Trung ương, Chính phủ, các cấp ngành liên qua tỉnh Nghệ An đã lĩnh hội sâu sát, kịp thời xây dựng, ban hành kế hoạch để cùng nhau xắn tay vào việc. Trên dưới đồng lòng tức thì tạo nên sự khác biệt, với tình hình lúc này có thể khẳng định mọi thứ đang đi đúng hướng.
Xác định phát triển theo hướng bền vững, đồng nghĩa phải tạo nên sợi dây liên kết bền chặt để cùng nhau củng cố, từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm có lợi thế. Bằng cách áp dụng khá phổ biến khoa học công nghệ (KHCN), xem ra Nghệ An thực sự có được sự chủ động với cuộc chơi.
Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ, thời gian qua nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã lựa chọn KHCN làm hướng đi chính nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Dựa trên định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng chương trình phát triển 100 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương giai đoạn 2015 – 2020.
Ngay từ ban đầu, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KHCN đến đối tác. Khi hình thành sản phẩm tiếp tục phương án xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu thông qua các hội chợ, các chương trình quảng bá, nhờ đó giá trị kinh tế được cải thiện rõ rệt.
Chưa hết, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn kịp thời, chi tiết đến các đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố nhằm đề xuất các sản phẩm tiềm năng, qua đó ghi nhận 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa.
Nổi bật trong dòng sản phẩm đặc trưng phải kể đến tảo xoắn Spirulia của Công ty CP Khoa học xanh Hidumi Pharma (địa điểm tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu). Mặt hàng này được số đông đánh giá cao nhờ quá trình đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất với sự hỗ trợ từ chính các chuyên gia nước ngoài.
Sau nhiều năm khảo nghiệm, đến nay công ty đã sản xuất được 3 dòng sản phẩm chức năng với 100% xuất xứ từ thiên nhiên, gồm tảo xoắn Spirulina Michio, đậu tương lên men Natto Kinaza và Đông trùng hạ thảo…
Qua nắm bắt, đến hết năm 2020 chương trình OCOP tại Nghệ An xác định chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có (tương đương 90 sản phẩm). Trên cơ sở này, mới đây Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An đã tổ chức cuộc thi các sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2020.Việc đánh giá, xếp hạng lần này nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh) chuyển đổi cách thức, nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo Bộ tiêu chí về đánh giá, xếp hạng tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Quá trình sàng lọc, phân hạng gần 110 sản phẩm tiêu biểu của 16 huyện, thành phố, thị xã, nhìn chung các mặt hàng dự thi đều cho thấy sự đa dạng, phong phú về chất lượng, chủng loại; hình thức mẫu mã, bao bì được chau chuốt hơn hẳn. Tạo được ấn tượng hơn cả là các làng du lịch cộng đồng (homestay), các sản vật gắn với bảo tồn sản phẩm truyền thống thế mạnh của địa phương (gừng, chè Tuyết Shan Kỳ Sơn, thịt bò giàng Tương Dương, nhút, bưởi Thanh Chương…)
Từ bệ phóng này, tin tưởng diện mạo nông thôn nói chung và khu vực miền Tây Nghệ An sẽ thêm phần khởi sắc trong tương lai gần.
Theo Việt Khánh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/nghe-an-chu-trong-nang-tam-san-pham-ocop-d279360.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã