Xã Đức Phú (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) có diện tích sản xuất lúa rất lớn tuy nhiên thường xuyên đối mặt với khó khăn về nước tưới mỗi khi mùa khô đến.
Với khoảng gần 400ha diện tích lúa của xã này chỉ dựa vào lượng nước tưới từ 4 hồ chứa nước nhỏ của địa phương chứ không có nguồn cung cấp từ bên ngoài.
Ông Nguyễn Bảy, Chủ tịch UBND xã Đức Phú cho biết, thông thường thì lượng nước trong 4 hồ này cũng đủ cung cấp nước tưới cho diện tích lúa đông xuân (ĐX) chứ sang vụ hè thu (HT) thì gần nửa diện tích lúa của xã không thể sản xuất.
Cuối năm 2019, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) quyết định đầu tư vào Quảng Ngãi dự án khu sản xuất chế biến thức ăn và chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao (Vinamilk Quảng Ngãi).
Dự án có tổng diện tích trên 92 ha dùng để chăn nuôi bò sữa và trồng cây nguyên liệu, đồng thời cung cấp giống bò sữa HF thuần chất lượng cao, đáp ứng con giống cho nhu cầu chăn nuôi bò sữa của địa phương.
Dự án được đặt tại xã Đức Phú và xã Đức Hòa (huyện Mộ Đức) với quy mô nuôi 4.000 bò sữa, sản xuất 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu mỗi năm. Việc Dự án được đầu tư xây dựng chính là vấn đề then chốt để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương mà cụ thể là cây ngô làm thức ăn cho bò sữa.
Ông Ngô Hữu Phước, Ban cung ứng trang trại bò sữa Vinamilk cho biết, Dự án bây giờ chưa hoàn thiện, đang trong giai đoạn chuẩn bị vùng nguyên liệu. Trang trại bò sữa tại huyện Mộ Đức sẽ cần một vùng nguyên liệu (cây ngô) khoảng 600ha, tương đương 24.000 tấn/năm.
“Những bà con muốn trồng ngô nguyên liệu chăn nuôi bò sữa, phía Cty sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hợp đồng sẽ có thời hạn từ 4 – 36 tháng.
Bên cạnh đó, Cty cũng sẽ hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật miễn phí thông qua các công ty giống cây trồng uy tín của Việt Nam. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 20 lớp tập huấn trên địa bàn huyện Mộ Đức và các xã lân cận”, ông Phước cho biết.
Cũng theo ông Phước, vụ ĐX vừa qua, Cty CP Vinamilk đã bắt đầu tiến hành thu mua ngô sinh khối. Vụ tiếp theo sẽ thu mua đồng loạt, số lượng lớn.
Theo đại diện HTX Đức Phú, Dự án Vinamilk triển khai ở địa phương là cơ hội để cho người dân xã Đức Phú cùng với huyện Mộ Đức vươn lên làm giàu.
“Tính trung bình 1ha ngô sẽ được 42 tấn thân cây cùng bắp non với mức giá 1.250 đồng/kg thì người dân sẽ thu được 52,5 triệu đồng. Như vậy 1 sào sẽ được 2,6 triệu.
Trong khi trồng lúa trong vụ HT năng suất tối đa chỉ đạt 60 tạ/ha. Với giá 6.000 đồng/kg thì 1ha sẽ được 36 triệu, như vậy 1 sào sẽ được 1,8 triệu, chênh lệch 700.000 – 800.000/ sào”, đại diện HTX Nông nghiệp Đức Phú nói.
Cũng theo vị đại diện này, việc chuyển qua cây ngô trong điều kiện khô hạn, thiếu nước không thể sản xuất được lúa như thực tế của địa phương trong vụ HT là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Mộ Đức và của tỉnh Quảng Ngãi. Với cây bắp, 1ha sẽ tiết kiệm được khoảng 3.000 – 4.000m3 nước.
Ông Trần Văn Nghĩa (thôn Phức Thuận, xã Đức Phú) cho biết, gia đình ông có tất cả 1,5ha lúa nhưng có đến gần 1ha bị thiếu nước trong vụ HT, không thể sản xuất được. “Bây giờ có trang trại bò sữa nên tôi quyết định sử dụng diện tích không sản xuất lúa được này qua trồng ngô", ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho rằng, Dự án khu sản xuất chế biến thức ăn và chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công dụng nghệ cao Vinamilk Quảng Ngãi sẽ có hiệu quả rất tốt. Các xã xung quanh Dự án sẽ trở thành vùng vệ tinh cho nhà máy, trước mắt là nguồn thức ăn từ ngô để nuôi bò sữa.
“Huyện đã chỉ đạo các địa phương triển khai việc xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy cũng đã nhập một số lượng ngô để ủ làm thức ăn cho bò. Trong thời gian đến, huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô thành vùng chuyên canh. Bước đầu sản lượng ngô chưa đủ cung ứng nhưng sau đó sẽ mở rộng ra các xã khác để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt là chuyển diện tích chân lúa cao, thiếu nước qua trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu chăn nuôi bò sữa”, ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức.
Theo Lê Khánh - Minh Hậu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã