Nằm ở giữa cánh đồng thôn Lẫm Bắc, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) là trang trại chuyên nuôi các loài cá truyền thống như cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi...của tỷ phú nông dân Phạm Đình Oanh.
Xuất phát là nông dân nghèo, suýt vỡ nợ vì nuôi lợn, nhưng chỉ sau vài năm chuyển sang nuôi cá, đến nay anh Oanh đã vươn lên làm giàu, mỗi năm thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng từ những ao nuôi cá này.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Oanh kể, trước kia gia đình anh là một trong những hộ chăn nuôi lợn nhiều nhất nhì ở cái xã Yên Đồng này. Nhưng hết bão giá rồi đến bão bệnh dịch, nhất là dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình anh không thể cầm cự nổi.
Gia đình anh đành phải "giải tán" nghề nuôi lợn và kèm theo đó là một món nợ to đeo trên đầu bởi dịch bệnh trên đàn lợn và bởi thua lỗ do giá lợn thấp.
Trong thời gian tuyệt vọng đó, được sự động viên của Hội Nông dân xã Yên Đồng (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), đặc biệt sau những lần đi thăm quan các mô hình nuôi trồng thủy sản mà Hội tổ chức đã vực lại ý chí làm giàu trong anh.
Sau khi tìm tòi, anh Phạm Đình Onah thấy mô hình nuôi các loài cá truyền thống bằng thức ăn công nghiệp, nuôi cá thâm canh rất hay và địa phương anh hoàn toàn có thể áp dụng với quy mô lớn.
"So với các loại khác thì các loài cá truyền thống như cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi..giá bán luôn ổn định, nuôi là ít khi sợ lỗ, chỉ lãi ít hay lãi nhiều thôi. Đặc biệt, ở địa phương ttôi có nguồn nước sạch để nuôi cá và ruộng bỏ hoang lại rất nhiều nên tôi đi vay mượn tiền vốn để đầu tư đào ao nuôi cá, liều một phen nữa xem có khá được không", anh Oanh kể lại.
Sau đó, anh đi thuê lại hơn 2 mẫu ruộng chiêm trũng bỏ hoang của thôn Lẫm Bắc để cải tạo thành ao nổi, xung quanh bờ được anh xây bờ bao kiên cố. Đồng thời đầu tư các trang thiết bị, máy móc, phụ kiện phụ trợ....theo chuẩn mô hình nuôi cá công nghiệp.
Ngoài con cá trắm cỏ và cá chép là con nuôi chủ lực, anh Oanh còn thả xen canh thêm các loài cá trôi và cá mè, nhưng chiếm số lượng ít hơn.
Theo anh Oanh, thả thêm hai loại cá trôi và cá mè có tác dụng vừa tăng thêm kinh tế và có tác dụng vệ sinh thức ăn thừa ở trong ao nổi, làm cho ao nuôi sạch hơn.
Gần 3 năm gắn bó với nghề nuôi cá công nghệ ao nổi, năm nào anh Phạm Đình Oanh cũng xuất bán được vài chục tấn cá các loại, doanh thu mỗi năm cả tỷ đồng.
Với công nghệ nuôi cá trong ao nổi, nuôi cá thâm canh hướng công nghiệp, cá được anh Oanh thả nuôi dày đặc dưới ao. Con nào con ấy to bự chà bá. Khách đến thăm quan ai cũng trầm trồ thích thú mỗi khi hàng ngàn con cá lao lên tranh nhau đớp mồi.
Một lần đến thăm ao nổi nuôi cá của anh Oanh, ai cũng được một phen mở rộng tầm mắt trước tài nghệ nuôi cá của anh.
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm quan mô hình, anh Oanh cho biết, toàn bộ khu nuôi cá này trước đây là đồng ruộng chiêm trũng, ruộng bỏ hoang, cả năm chỉ trồng được một vụ lúa bấp bệnh nên bà con cũng không mặn mà.
Sau khi thuê lại, anh Phạm Đình Oanh cải tạo thành 3 ao nổi nuôi cá. Các ao nổi cá này được thiết kế theo mô hình công nghệ ao nổi.
Các ao nổi này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một ao nuôi cá công nghiệp, gồm hệ thống máy cho ăn, máy quạt nước, máy đảo nước... đều hoạt động tự động 100%. Nhờ hệ thống này mà anh Oanh tiết kiệm được công chăm sóc, chăm sóc đàn cá được tối ưu nhất.
"Nếu như thời gian gần đây các loại gia súc, gia cầm giá bán lên xuống thất thường thì các loài cá truyền thống lại ổn định về giá bán. Giá bán cá trắm, cá chép ổn định, ít khi lên xuống nên cho hiệu quả kinh tế cao...", anh Oanh tiết lộ.
Theo anh Phạm Đình Oanh, nuôi cá trong ao nổi tuy chi phí đầu tư ban đầu làm ao nổi lớn nhưng nuôi cá cho lợi nhuận tốt, nông dân hoàn toàn có thể làm giàu được...
Để chủ động nguồn cá giống, anh Oanh dành riêng một ao nuôi để chuyên ươm cá giống, tự phục vụ nhu cầu cá giống của gia đình mình. Nhờ vậy mà anh tiết kiệm được kha khá chi phí tiền mua cá giống và đặc biệt có nguồn cá giống chất lượng và tránh được hoa hụt khi vận chuyển nếu phải mua cá giống.
"Trung bình mỗi năm tôi bán khoảng hơn 30 tấn cá các loại, trong đó cá trắm cỏ là có giá bán cao nhất, mỗi kg cá trắm cỏ có giá bán đổ đồng là 48.000 đồng, tiếp đến là cá chép có giá bán là 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm tôi lãi khoảng hơn 300 triệu đồng từ bán cá thịt", anh Oanh vui vẻ nói.
Theo anh Oanh, trong quá trình nuôi cá trong ao nổi cần chú ý tới khâu xử lý nước định kỳ. Vì nguồn nước là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến năng suất cá và hiệu quả của cả một năm chăn nuôi. Anh Oanh thường xuyên sử dụng men vi sinh sục khí do anh tự ủ để xử lý nước ao nuôi cá...
Trong loại men vi sinh này có nhiều vi sinh có lợi giúp cải thiện môi trường nước ao nuôi cá, từ đó giúp con cá sinh trưởng tốt hơn.
Theo anh Phạm Đình Oanh-tỷ phú nông dân nuôi cá ao nổi, mem vi sinh có giá thành rẻ, đặc biệt nếu ai biết ủ thì tiết kiệm được chi phí. Nếu không ủ được, người nuôi cá có thể đi mua sẵn ngoài thị trường. Cứ một tuần dùng men vi sinh một lần xử lý nước ao nổi nuôi cá thì đảm bảo đàn cá luôn khoẻ mạnh.
"Thời đại bây giờ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dù là nông dân nhưng cũng phải biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Bản thân tôi, trước khi thành công với mô hình nuôi cá công nghiệp trong ao nổi tôi cũng phải đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở nhiều nơi, học nhiều người và tìm hiểu thêm trên mạng Internet. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cá cần tục cập nhật kỹ thuật chăn nuôi, cách làm mới, diễn biến thị trường để điều chỉnh kịp thời...", anh Phạm Đình Oanh, tỷ phú nông dân xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Binh chia sẻ.
Theo Phạm Anh/danviet.vn
https://danviet.vn/ninh-binh-bien-ruong-bo-hoang-thanh-ao-noi-nuoi-ca-khung-con-nao-cung-to-day-da-ong-nong-dan-thanh-ty-phu-20201016213516025.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã