Toàn tỉnh có 67.575 hội viên nông dân, đang sinh hoạt ở 987 chi hội, Hội Nông dân đóng vai trò quan trọng trong Phong trào thi đua "Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016 - 2020. Ðể thực hiện hiệu quả phong trào, Hội xác định trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Giai đoạn 2016 - 2020, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp... Nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực đã được các cấp Hội triển khai thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội; tổ chức sân khấu hóa các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa, văn nghệ; phát hành cuốn Thông tin công tác Hội, phát hành sách, tài liệu cho cơ sở Hội sinh hoạt; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng...
Ðặc biệt, Hội Nông dân tỉnh triển khai Ðề án “Phát huy vai trò chủ thể của các cấp Hội và hội viên nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới”; chỉ đạo các cấp Hội chủ động đảm nhận thực hiện các phần việc, tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội, như: Tiêu chí về nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm.
Đồng chí Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội cho biết: Hưởng ứng Phong trào thi đua “Lai Châu Chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; triển khai đăng ký mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện Chương trình phối hợp số 11/CTPH-MTTQ-TCCTXH, ngày 24/3/2017 giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lai Châu và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh về tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng, tu bổ hệ thống thủy lợi, kiên cố kênh mương nội đồng, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 180 nghìn ngày công lao động, hiến 345.000m2 đất để xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như Hội Nông dân huyện Tam Đường phối hợp tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đóng góp ngày công lao động để cứng hóa 5,6 km đường giao thông nội đồng, trục bản; xây dựng mới 2 nhà văn hóa bản; 60 nhà tiêu hợp vệ sinh; xóa 8 nhà tạm; làm mới 3,3 km đường điện chiếu sáng nông thôn... Hội Nông dân huyện Phong Thổ tuyên truyền vận động hội viên, nông dân hiến 327 m2 đất; đóng góp 425 triệu đồng, 1650 ngày công làm mới, sửa chữa 12,6 km đường giao thông nông thôn; 7,2 km kênh mương; 16 phòng học. Hội Nông dân huyện Tân Uyên phối hợp khảo sát nắm tình hình, xây dựng kế hoạch hướng dẫn giúp đỡ bản Ngam Ca, xã Nậm Sỏ xây dựng nông thôn mới; vận động nông dân hiến 1.200 m2 đất, đóng góp 702,400 triệu đồng, 312 ngày công lao động tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hố rác tại các hộ gia đình…
Đặc biệt, với mục tiêu tạo điều kiện giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, các cấp Hội đã đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, tạo động lực thúc đẩy hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế nông thôn. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế như: Thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn; phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề ngắn hạn; vận động hội viên tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh xây dựng, triển khai các mô hình tổ hợp tác xã phát triển kinh tế có hiệu quả như mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; trồng chăm sóc lúa nếp Co Giàng, thu mua chè sạch tại xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên... Nhờ đó, từ năm 2016 đến tháng 9/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 5.602 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp trung ương 32 hộ, cấp tỉnh 307 hộ, cấp huyện 1.202 hộ, cấp cơ sở 4.061 hộ. Đến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh có 4.494 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng 1.227 hộ so với năm 2015), trong đó cấp Trung ương 26 hộ, cấp tỉnh 266 hộ, cấp huyện 1.054 hộ, cấp cơ sở 3.148 hộ. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng trở lên, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm người lao động; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Điển hình như hộ ông Tẩn Tiến Bảo - thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ với mô hình trồng trọt và chăn nuôi gia súc kết hợp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đem lại thu nhập bình quân cho gia đình 180 - 200 triệu đồng/năm. Riêng năm 2019 thu nhập gần 500 triệu đồng. Hay hộ ông Giàng A Sinh - bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường với mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng. Từ một nông dân thuần túy ông đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tập trung thực hiện các giải pháp sản xuất kinh doanh, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động và nhiều lao động theo mùa vụ, gia đình ông đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, còn nhiều hộ nông dân tiêu biểu khác đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Thời gian qua, nhờ sự có sự đẩy mạnh phát triển kinh tế hội viên nông dân đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh từ 22 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 36,3 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm trung bình hàng năm từ 3-4%. Đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 20 xã so với năm 2015) và thành phố Lai Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Có thể thấy, sự chung tay góp sức của các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, diện mạo khu vực nông thôn Lai Châu đã từng bước khởi sắc, đời sống của hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được cải thiện.
Nguồn tin: laichau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã