Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng rộng hơn 2ha đang cho thu hoạch, ông Trần Quang Hiệp (xã Xuân Quế) cho biết, trong một lần tham gia bán sầu riêng tại một hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ông có dịp gặp gỡ các doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản.
Qua trao đổi, ông Hiệp nắm được thông tin, nhiều doanh nghiệp rất cần nguồn cung sầu riêng số lượng lớn nhưng luôn phải mua nguyên liệu qua tư thương với giá cao. Doanh nghiệp sẵn sàng mua giá cao nếu nông dân cam kết trồng sầu riêng theo quy trình sạch.
Năm 2019, ông Hiệp bắt đầu chuyển qua trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP để cung ứng cho doanh nghiệp. Không những thế, ông Hiệp còn mời gọi nhiều nông dân trồng sầu riêng có chung ý hướng tham gia thành lập tổ hợp tác trồng sầu riêng VietGAP.
Là một trong những hộ trồng sầu riêng lâu đời và sản xuất theo quy trình sạch ở xã Xuân Quế, nhưng sầu riêng gia đình ông Nguyễn Thanh Châu vẫn bán trôi nổi. Khi được ông Hiệp vận động tham gia tổ hợp tác và được giới thiệu bao tiêu ký kết đầu ra, ông Châu đã đồng ý tham gia.
Theo ông Châu, vườn sầu tiêng trên 1ha của ông sản xuất theo hướng sinh học. Ông Châu tự ủ phân vi sinh bón cho cây sầu riêng thay phân hóa học. Ông còn trồng thảm cỏ đậu quanh gốc cây để giữ ẩm và hạn chế sâu bệnh.
Ông Châu đang làm thủ tục để được công nhận sầu riêng VietGAP và xây dựng thương hiệu để có đầu ra ổn định. "Tôi trồng sầu riêng không dùng thuốc cỏ, phân hóa học nhiều năm nay" - ông Châu nói.Ông Hiệp cho biết, hiện tổ hợp tác trồng sầu riêng sạch của ông đã có gần chục nông dân tham gia.
Sầu riêng là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Xuân Quế với khoảng 300ha, trong đó khoảng 200ha đang thu hoạch. Lâu nay bà con trồng sầu riêng không đồng nhất quy trình, chưa có vườn sầu riêng được công nhận VietGAP. Đầu tháng 7/2020, UBND xã Xuân Quế phối hợp Phòng NNPTNT huyện Cẩm Mỹ vận động và hỗ trợ các hộ nông dân trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP.
Ông Võ Hồng Hạnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Quế cho biết, xã đang vận động bà con nông dân trồng sầu riêng thực hiện các quy trình trồng sầu riêng VietGAP. Nòng cốt để triển khai là các thành viên thuộc Tổ hợp tác trồng sầu riêng sạch của ông Hiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên, đơn vị chuyên thu mua nông sản xuất khẩu cho rằng: "Để bán nông sản giá tốt, nông dân phải làm sạch và trồng theo đúng quy trình để sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã và sản lượng lớn chứ không phải mỗi người trồng mỗi kiểu".
UBND huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện huyện có hơn 1.000ha cây sầu riêng. Việc sản xuất các cây trồng theo hướng VietGAP đang được địa phương đẩy mạnh để tạo ra các sản phẩm sạch. Từ đó, huyện sẽ triển khai thực hiện các dự án cánh đồng lớn kết hợp với xây dựng thương hiệu nông sản cho các cây trồng chủ lực, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo Trần Đáng/danviet.vn
https://danviet.vn/nong-dan-tinh-dong-nai-ru-nhau-trong-sau-rieng-sach-tieu-chuan-vietgap-ban-chay-hang-2021061611215284.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã