"Vượt khó" cùng nhau
Dù đã qua vụ thu hoạch chè xuân nhưng hiện một số hộ trồng chè ở Thanh Mai (Thanh Chương) vẫn để chè "quá lứa" do giá chè xuống thấp, ùn ứ vì không tiêu thụ kịp.
Ông Nguyễn Văn Chiến, hộ trồng chè xóm Đá Bia, xã Thanh Mai cho biết: "Nhà trồng 2ha chè, năm 2019, giá tiêu thụ chè tươi là 5.000 đồng/kg, năm 2020 xuống còn 3.500 đồng/kg, năm nay chỉ còn 3.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.800 đồng/kg. Chi phí vật tư phân bón cao, tiền nhân công cao nên với mức giá này, người trồng chè không có lãi".
Dù khó khăn do dịch bệnh mang lại, việc tiêu thụ chè chậm, giá vận chuyển tăng nhưng các chủ xưởng chè vẫn chủ động thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người trồng.
Ông Nguyễn Văn Đường - Giám đốc HTX Chè xanh Thanh Mai cho biết: "Giá vận chuyển chè bằng đường thủy sang các nước cao gấp 3 lần so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Trước đây một container chè vận chuyển bằng tàu thủy với thời gian đi 56 ngày có giá 51 triệu đồng thì nay tăng lên 140 triệu đồng (cao gần gấp 3 so với trước). Giá vận chuyển tăng, các chi phí khác đội lên song giá chè lại ở mức thấp, việc tiêu thụ cũng chậm hơn.
Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, các chuyên gia kiểm định chất lượng chè của các đối tác không thể sang Việt Nam nên thủ tục xuất khẩu gặp khó khăn".
"Cái chúng tôi cần nhất là đầu ra ổn định. Nhà nước, DN hỗ trợ tập huấn quy trình trồng,cung ứng vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm còn người dân chúng tôi cam kết tuân thủ theo đúng quy chuẩn đề ra".
Ông Nguyễn Văn Dương - một hộ trồng chè tại Hùng Sơn, Anh Sơn, Hà Tĩnh
Tuy vậy, điều đáng ghi nhận là, trong khó khăn chung, các HTX, các chủ xưởng chè vẫn thu mua chè tươi cho người trồng, cho người dân ứng tiền trước để mua vật tư, phân bón tái chăm sóc cây chè cho vụ thu hoạch sau.
Ông Phan Đình Đường - chủ xưởng chè ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: "Vụ chè xuân vừa rồi, xưởng vẫn bao tiêu hàng nghìn tấn chè cho bà con, đảm bảo bà con thu hoạch đến đâu sẽ thu mua hết đến đấy. Đồng thời, đầu tư nâng công suất cho dây chuyền chế biến, đáp ứng nhu cầu 30-35 tấn/ngày, đảm bảo không để chè tươi bị hư hỏng do không chế biến kịp. Xuất khẩu bị chậm lại nên nguồn tiền cũng hạn hẹp, gia đình đã huy động vốn vay để chi trả cho bà con kịp thời, để bà con có vốn tái đầu tư chăm sóc cây chè".
Đồng hành cùng các DN, các hộ trồng chè đã chia sẻ khó khăn bằng cách: Nhiều hộ bán nợ chè cho các xưởng không lãi suất; tập trung chăm sóc và thu hái chè búp đạt chất lượng tốt nhất; vào lúc cao điểm chế biến, sẵn sàng hỗ trợ các xưởng chè trong vận chuyển, đóng gói và một số công đoạn chế biến...
Về phía chính quyền địa phương từ xóm, xã đến huyện cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm động viên người dân vượt qua khó khăn khi giá chè xuống thấp, ổn định tư tưởng, tập trung chăm sóc cây chè và chuẩn bị tốt nhất cho việc thu hoạch chè mùa sắp tới,...
Cần thiết hình thành vùng nguyên liệu sạch
Theo như các chủ xưởng chè chia sẻ, về lâu dài, để nâng cao giá trị cây chè, nâng thu nhập cho người dân thì cần thiết phải thay đổi tư duy sản xuất. Đó là hình thành các vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP, tạo ra vùng nguyên liệu an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh, từ đó chế biến sang chè khô chất lượng, sạch, đạp ứng được các tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Đồng thời, chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác từ chè xanh như: Trà túi lọc, bột matcha, trà sữa hòa tan, trà thảo mộc…
"Xu thế hiện nay, để phát triển bền vững cây chè, tránh tình trạng trồng rồi chặt bỏ thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm chế biến, muốn vậy thì phải có nguyên liệu sạch. Người dân thay đổi tư duy trồng trọt, doanh nghiệp, nhà nước cùng đồng hành, hỗ trợ" - ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết.
Cụ thể như ở Thanh Chương, hiện đã triển khai trồng vùng chè nguyên liệu VietGAP ở Thanh Đức với quy mô gần 10ha, kết quả cho thấy, chè trồng theo chuẩn VietGAP năng suất cao hơn, dư lượng thuốc BVTV trong chè và tồn dư kim loại nặng đều ở dưới mức cho phép. Sắp tới, huyện sẽ phối hợp cùng các công ty, DN, các HTX mở rộng diện tích chè sạch, hình thành các vùng nguyên liệu an toàn, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP để cạnh tranh bình đẳng với chè trong nước và thế giới cũng như mở rộng thị trường.
Đồng thời, khuyến khíc các DN đa dạng hóa các sản phẩm từ chè, giúp người sản xuất và kinh doanh chè có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Theo Mỹ Hà/danviet.vn
https://danviet.vn/nong-dan-va-doanh-nghiep-xoay-xo-tieu-thu-che-mua-dich-20210606175317435.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã