Học tập đạo đức HCM

Nuôi lợn đen, gà đen toàn thân, chàng trai người Nùng gặp “vận đỏ”, thành tỷ phú

Thứ bảy - 29/05/2021 08:46
Nhờ nuôi lợn đen, gà đen đặc sản, chàng thanh niên dân tộc Nùng Trương Văn Quynh (sinh năm 1988) đã bứt phá trở thành tỷ phú nông dân ở thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Tôi biết đến Trương Văn Quynh từ năm 2016, khi anh là 1 trong những nông dân trẻ nuôi gà Mông đen được khen thưởng tại lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nuôi lợn đen, chàng trai người Nùng gặp “vận đỏ” - Ảnh 1.

Anh Trương Văn Quynh bên đàn lợn đen đặc sản.

Từ tuổi thơ cơ cực...

Ngay từ lần đầu gặp, Trương Văn Quynh đã gây ấn tượng với tôi bởi tính cách hoạt bát và năng nổ. Càng nói chuyện, lại càng bất ngờ với sự giỏi giang trong làm ăn của chàng trai người Nùng này. Không chỉ nuôi gà Mông đen giỏi, Quynh còn nổi tiếng khắp xã Nghĩa Thuận với biệt tài nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng trăm con mỗi lứa.

"Một mình mình giàu thì sao có động lực để phát triển, phải làm thế nào để có thêm nhiều người giàu trong thôn, trong xã. Rồi nâng cao chất lượng sống cho chính mình, cho bà con nữa. Làm kinh tế, đích cuối cùng cũng là để nâng cao chất lượng cuộc sống".

Anh Trương Văn Quynh

Trò chuyện với anh mới đây, anh cho biết: "Đợt này giá lợn hơi xuống thấp, giá cám liên tục tăng cao, nhưng mình vẫn có lãi nhờ chăn nuôi lợn đen theo hướng an toàn sinh học".

Cuộc sống của anh Quynh cũng như những người Nùng ở xã Nghĩa Thuận, bao đời nay vẫn bám núi, bám đồi. Ngẩng mặt, cúi đầu đâu đâu cũng thấy đồi núi, sỏi đá nên sản xuất nông nghiệp rất manh mún, khó khăn.

"Không may mồ côi cha khi mới 2 tháng tuổi, mẹ đi bước nữa, cuộc sống vất vả bế tắc nhưng mình chưa bao giờ nản chí" - Quynh chia sẻ.

Nuôi lợn đen, chàng trai người Nùng gặp “vận đỏ” - Ảnh 2.

Anh Trương Văn Quynh cho biết giá lợn hơi đang giảm, trong khi giá cám tăng cao, nhưng vẫn có lãi nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: N.V

Thủa ấu thơ, Quynh sống trong tình yêu thương của bà nội. Hai bà cháu - một già một thơ dại rau cháo lần hồi nuôi nhau. Lớn lên trong khó khăn vất vả, thấm thía cái đói, cái nghèo nên Quynh luôn cố gắng sống và học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, Quynh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Nghề điện ở Hà Nội.

Anh Quynh bảo: "Ở xã mình, tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu nên không chú trọng đến kỹ thuật chăn nuôi mà thiên về kinh nghiệm. Bên cạnh đó, mỗi khi con trâu, con lợn, đàn gà ốm muốn tìm bác sĩ thú y cũng rất khó. Thấy bà con cực quá, mình đi học thêm trung cấp chăn nuôi thú y. Không ngờ nghề tay trái lại mang đến thu nhập chính cho gia đình mình sau này...".

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cao đẳng nghề điện, về quê chật vật mãi không xin được việc, trong khi thấy bà con địa phương phải đi hơn 40km xuống thành phố để mua thức ăn chăn nuôi, thế là Quynh vay vốn mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi.

Anh Quynh chia sẻ: Nói là cửa hàng, nhưng thực chất chỉ có dăm ba bao cám các loại vì vốn ít. Ngoài ra, mình cũng tư vấn giúp bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng chữa bệnh cho đàn lợn, đàn gà để chúng lớn nhanh, khỏe mạnh.

Sau một thời gian, được sự tín nhiệm của bà con Quynh đã mở được cửa hàng lớn ở thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ.

Trong quá trình buôn bán thức ăn chăn nuôi, Quynh nhận thấy giống lợn đen và gà đen bản địa của bà con ở vùng cao nguyên đá này rất có giá, chất lượng thịt thơm ngon mà không ai để ý chăn nuôi hàng hoá.

Năm 2013, anh quyết định đầu tư lớn khi mua 1,2ha đất, đầu tư trồng 600 cây hồng, nuôi lợn đen và gà Mông đen bản địa.

Nuôi lợn đen, chàng trai người Nùng gặp “vận đỏ” - Ảnh 4.

Vợ anh Quynh giới thiệu giống gà xương đen của gia đình đang được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: M.V

Thu tiền tỷ nhờ nuôi con đặc sản

Theo anh Quynh, nhắc đến gà đen, lợn đen bản địa, mọi người đều biết đến là đặc sản của Hà Giang. Thế nhưng, để phát triển các giống vật nuôi này thành sản phẩm hàng hoá ở vùng cao nguyên đá thì không đơn giản.

Anh Quynh bộc bạch: "Gà Mông đen khó nhân giống do điều kiện môi trường sống ở cao nguyên đá nên gà đẻ thưa, khó ấp trứng thành con. Còn giống lợn đen bản địa tuy dễ nuôi, nhưng vài năm trở lại đây, thật sự chăn nuôi lợn rất vất vả vì hết khủng hoảng giá lợn rẻ, giá thức ăn tăng, lại đến dịch bệnh hoành hành. Cũng may, trang trại của mình chăn nuôi khép kín hoàn toàn, chủ động được con giống, phòng dịch bệnh tốt nên đàn lợn an toàn, không bị dịch tả lợn châu Phi".

Giống lợn nái đen bản địa ít dịch bệnh, chịu được chế độ ăn kham khổ. Sau 6 tháng nuôi, lợn đen bản địa có trọng lượng từ 80-110kg/con là bán được. Đặc biệt, lợn nái đen bản địa nuôi con rất khéo, 1 năm đẻ 2,5 lứa, trung bình mỗi lứa đẻ 10-14 con lợn con.

Hiện anh Quynh nuôi 20 con lợn nái đen, 300 con lợn đen thương phẩm, hơn 1.000 con gà Mông đen. Năm 2020, từ chăn nuôi lợn đen gia đình anh Quynh có doanh thu 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng; nuôi gà Mông đen lãi hơn 100 triệu đồng.

Nuôi lợn đen, chàng trai người Nùng gặp “vận đỏ” - Ảnh 5.

Trang trại của anh Quynh chăn nuôi khép kín hoàn toàn, chủ động được con giống, phòng dịch bệnh tốt nên đàn lợn an toàn.

Anh Quynh cười bảo: "Mang tiếng làm ra tiền tỷ nhưng chả mấy khi có tiền, vì làm đến đâu lại đầu tư cho dự định mới. Đầu năm nay, mình vừa mua thêm 1,5ha đất để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Rồi mỗi năm mình đều trích ra 15-20 triệu đồng để đóng góp làm đường, xây dựng nông thôn mới ở địa phương...".

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Trương Văn Quynh còn thường xuyên giúp những hộ nghèo trong xã cùng làm kinh tế, tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Anh không nhớ mình đã cho bao nhiêu hộ, đoàn viên, thanh niên vay vốn khởi nghiệp với mức lãi suất thấp.

Gia đình anh Giàng Cồ Sử (ở xã Nghĩa Thuận) là một trong những hộ được anh Quynh giúp cả về con giống và kỹ thuật chăn nuôi. Anh Sử chia sẻ: "Nhờ anh Quynh tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và cho vay vốn mua bò mà nay nhà tôi đã có 4 con bò, thoát khỏi diện nghèo. Không riêng gia đình tôi, ở xã này, anh Quynh còn giúp nhiều người thoát nghèo". 

Theo Thu Hà/danviet.vn
https://danviet.vn/nuoi-lon-den-ga-den-toan-than-chang-trai-nguoi-nung-gap-van-do-thanh-ty-phu-20210527160353913.htm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập150
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay34,561
  • Tháng hiện tại986,558
  • Tổng lượt truy cập91,049,951
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây