Bứt phá để mỗi ngày có 5 bát gạo
Trong ký ức của đảng viên Vì Văn Vầu ở bản Tà Ẻn, những ngày trai trẻ của ông và cả gia đình luôn gắn với cái đói, cái nghèo. "Nghèo lắm, nghèo đến nỗi tôi chỉ mơ ước được ăn bữa cơm no không phải độn khoai, độn sắn, chứ chưa dám mơ đến những bữa cơm có thịt" - ông Vầu kể vậy.
Năm 1979, ông Vầu nhập ngũ, tham gia Sư đoàn bộ binh 356, đóng quân ở Lào Cai bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
"Chính trong quân ngũ, tôi đã nghĩ: Mình còn trẻ, khoẻ, đã nhận việc gì là phải làm cho thật tốt. Vì thế, tôi là một trong những chiến sĩ người dân tộc thiểu số luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là Chiến sĩ Quyết thắng của Trung đoàn 149, Quân khu II và được kết nạp Đảng" - ông Vầu kể.
Năm 1982, xuất ngũ về địa phương, đảng viên trẻ Vì Văn Vầu lại trăn trở với sự đói nghèo ở quê hương. "Đất rộng, sức khoẻ có, lại làm nghề nông truyền thống mà sao vẫn cứ nghèo mãi? Câu hỏi ấy cứ đeo bám lấy tôi và tôi quyết định: Chỉ có lao động cật lực mới có thể no cơm, ấm áo" - ông Vầu kể.
Nhờ cái quyết định ấy đến sớm nên ở thời điểm những năm 1980, gia đình ông Vầu đã nhanh chóng mở rộng diện tích đất sản xuất, chỗ thì trồng sắn, trồng ngô; chỗ gieo lúa nương; chỗ trồng củ dong riềng, đỗ, đậu; nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê…
"Làm thì nhiều nhưng năng suất thấp lắm vì kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa có. Được cái, tay làm - hàm nhai nên nhà tôi cũng không đói nữa. Từ đó tôi cũng yên tâm tham gia làm cán bộ xã, bản" - ông Vầu tâm sự.
Học cách làm hay, mỏi tay đếm tiền
Bước sang thập kỷ 90, phong trào đổi mới trong lao động sản xuất nông nghiệp ở Sơn La bắt đầu khởi sắc.
Ông Vầu kể: "Tôi thấy người ta trồng nhãn, mận hậu và ngô lai có thu nhập cao, thế là tôi cũng mạnh dạn đầu tư làm theo. Do ít vốn nên lúc đầu tôi cũng chỉ trồng mỗi thứ vài trăm mét vuông. Nhờ cây ngô lai ngày ấy được giá, năng suất cao nên tôi có thu nhập khá hơn, có vốn lớn để đầu tư trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò, dê, lợn".
Đưa khách đi thăm vườn cây trái rộng tới mấy ha, ông Vầu phấn khởi khoe: "Già yếu rồi nên tôi không còn nuôi nhiều gia súc, nhưng bây giờ mỗi năm, ít nhất tôi cũng thu được nửa tỷ đồng nhờ bán hoa trái và củ dong riềng. Tôi học được cách làm cho cây trái giống mới nhanh được thu hoạch mà năng suất cao, chất lượng tốt, lại là nông sản sạch nên chẳng lo ế hàng".
Chỉ vào cây bưởi da xanh sai trĩu quả, ông Vầu bảo: Những gốc bưởi Diễn này trồng ở đây không hợp khí hậu, quả nhỏ, bán không được giá nhưng tôi không chặt bỏ mà dùng chính cái gốc này ghép mắt, ghép cành bưởi da xanh vào.
Nhờ thế, chỉ sau vài năm tôi đã có bưởi da xanh cho thu trái mà quả lại to, chất lượng tốt nhờ bộ rễ khoẻ mạnh. Những gốc nhãn cũng vậy, tôi sử dụng thân cây cũ để ghép nhãn Miền Thiết, chỉ 2 năm là có thu ngay.
Với nhiều nông dân khác, khi đầu tư làm trang trại thường phải lo vốn để mua giống, phân bón, thuê người thiết kế trang trại, đào hố trồng cây... Nhưng ông Vầu không thuê ai mà tự học cách ghép mắt, ghép mầm, ươm giống cây, tự thiết kế trang trại, rồi cứ túc tắc làm dần.
"Mình tận dụng phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón cho cây thì không chỉ đỡ tiền mua phân bón mà đất còn tốt lâu, tốt bền; quả củ ngon hơn và khách hàng thích hơn. Việc đốt rác nông nghiệp còn làm ô nhiễm môi trường nữa đấy" - ông Vầu bảo vậy.
Tôi hỏi ông Vầu: "Ông làm nhiều thế, việc gì cũng giỏi thì tiền để đâu cho hết?".
Ông Vầu cười: "Tôi là cán bộ nghỉ hưu nên cũng không tiêu đến tiền nhiều, nhưng còn mấy đứa con trai, con dâu và các cháu thì nhu cầu đầu tư lớn lắm. Vừa mới tháng trước, tôi phải đầu tư cho thằng trai cả 1 xe ôtô ngót tỷ đồng. Rồi 2 đứa con dâu cũng đang muốn mở rộng trang trại… Bây giờ các con hiểu biết hơn mình nên nghĩ lớn hơn, làm mạnh hơn, đòi hỏi đầu tư cũng lớn hơn.
Chỉ vào những dãy bằng khen, giấy khen của nhiều cấp, nhiều ngành đang treo ngăn nắp thành từng dãy trên tường phòng khách, ông Vầu không giấu vẻ tự hào: "Nhà tôi giờ có 6 người, gồm 2 vợ chồng tôi, 2 anh con trai đang đi bộ đội và 2 cô con dâu, thì có tới 5 người là đảng viên. Với người dân tộc Sinh Mun ở vùng cao như chúng tôi thì đó là kết quả đáng trân trọng lắm. Vì thế, tôi luôn động viên vợ và con, cháu trong nhà phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm sáng thêm danh dự của Đảng, của gia đình".
Bịn rịn chia tay, ông Vầu nói thêm: "Tôi năm nay 38 tuổi Đảng rồi nhưng thấy sức mình vẫn còn khoẻ, kinh nghiệm làm ăn cũng tiếp thu được nhiều cái mới. Vừa rồi tỉnh Sơn La lại có thêm 2 nhà máy chế biến hoa quả tươi, đó là lợi thế cho nông dân chúng tôi. Vì thế, tôi tự nhủ phải làm tốt cái trang trại cây ăn quả này, đón lõng thời cơ; phấn đấu đến năm tôi tròn 40 tuổi Đảng là thu nhập phải nhân đôi so với hiện nay…".
Theo Kiều Thiện/danviet.vn
https://danviet.vn/ong-nong-dan-38-nam-tuoi-dang-nuoi-con-gi-trong-cay-gi-ma-thanh-ty-phu-dau-tien-cua-nguoi-sinh-mun-20201202165633282.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã