Thời gian vừa qua, TP Phan Thiết (Bình Thuận) có 4 xã gồm: Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi và Tiến Thành thực hiện xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Nhờ sự “đồng tâm, đồng lòng, đồng sức, đồng bộ, đồng mục tiêu” từ cả hệ thống chính trị cho đến từng người dân nên đã thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM đề ra.
Vì vậy, mới đây UBND tỉnh đã gửi hồ sơ cho Bộ NN-PTNT xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận TP Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Theo phòng Kinh tế Phan Thiết, qua 10 năm thực hiện xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, TP Phan Thiết đã có những thay đổi mới trong đời sống của người dân, cùng với đó bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trong đó, nổi bậc nhất là hệ thống giao thông nông thôn tại 4 xã được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đi lại dễ dàng, từ đó phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống trường học từ mầm non đến trung học cơ sở ở các xã cũng được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo đạt chuẩn. Theo đó, trên địa bàn các xã có 12 trường từ bậc mầm non đến trung học, trong đó có 5 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.
Các địa phương sản xuất nông nghiệp cũng từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ... Chất lượng nền sản xuất được nâng cao, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể về sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 350/100 tấn, sản lượng hải sản khai thác đạt là 57.840/55.000 tấn.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, bình quân hàng năm giảm từ 1 – 1,2%. Hiện 100% người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, cũng như 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Giải quyết việc làm bình quân hàng năm trên 9.500 lao động, đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 và thu nhập trung bình của người dân tăng từ 25 triệu đồng/người/năm lên 47,38 triệu đồng/người/năm, cao nhất tỉnh.
Ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch TP Phan Thiết, cho biết, trong quá trình xây dựng NTM tiêu chí thu nhập rất quan trọng có vai trò thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Do đó, để hoàn thành tiêu chí khó này, cũng như giúp bà con nâng cao thu nhập, TP Phan Thiết ngoài đẩy mạnh các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm, còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, các chương trình nhằm giúp người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Cùng với đó, TP Phan Thiết đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi, nâng cao hiệu quả kinh tế, bền vững, góp phần tạo thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương hiệu ra thị trường.
Từ đó, hình thành các tổ sản xuất rồi đi đến thành lập các HTX có liên kết chuỗi giá trị hàng hóa như: HTX chăn nuôi gà thả vườn ở xã Thiện Nghiệp; HTX dịch vụ sản xuất thanh long, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở xã Tiến Thành; HTX nấm Phúc Thịnh, HTX dịch vụ nông nghiệp ở xã Tiến Lợi và HTX hoa cây cảnh ở xã Phong Nẫm để thu hút thêm việc làm, tạo thu nhập cho nông dân…
“Chúng tôi xác định phát triển kinh tế là đòn bẩy để xây dựng các tiêu chí còn lại, nên các mô hình sản xuất được xã triển khai hiệu quả, nhất là lĩnh vực nông nghiệp có sự liên kết chuỗi. Nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Các HTX trên địa bàn cũng phát huy tốt vai trò hình thành các mô hình liên kết sản xuất, tổ chức các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân… Từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập”, ông Chơn chia sẻ và cho biết thêm, trong giai đoạn tới, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 có 2/4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thu nhập bình quân đạt 82 triệu đồng/người/năm, cơ bản xóa nghèo, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và cải thiện rõ rệt mức sống người dân nông thôn của thành phố.
Để đạt mục tiêu trên, Phan Thiết tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng NTM trên cơ sở phát huy tối đa các sản phẩm có lợi thế về nông nghiệp của xã, bảo đảm tăng trưởng ổn định, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường và nâng cao đời sống cho người dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công tác giống, công nghệ sinh học; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm, cho biết, nhờ xây dựng NTM mà bộ mặt nông thôn trên địa bàn đã khoác lên mình tấm áo mới. Bà con trong xã rất phấn khởi vì hệ đường giao thông, điện, trên địa bàn xã bây giờ được xây dựng kiên cố và bài bản giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi cả trong 2 mùa mưa nắng. Thời gian qua, người dân tùy vào điều kiện của mình mà tự nguyện đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền thực hiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Đời sống kinh tế của người dân ngày càng cải thiện, hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm. Điều đáng ghi nhận nữa là, người dân đã nhận thức rõ xây dựng NTM là vì lợi ích của chính mình.
Theo Đức Bình/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phan-thiet-phan-dau-xoa-ngheo-cai-thien-muc-song-nguoi-dan-d304790.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã