Về thăm trang trại dưa lưới trong nhà màng của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long, ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, chúng tôi được thưởng thức những miếng dưa lưới được cắt ra từ trái còn nằm trên giàn.
Những miếng dưa màu hồng phấn mềm, mát, ngọt, thấm vào đầu lưỡi khiến ai nấy đều tấm tắc xuýt xoa, cái nóng bức của trưa tháng 5 nhanh chóng bị xoá tan. Sản phẩm dưa lưới Kim Long hiện đã đạt chuẩn VietGAP và cả GlobalGAP.
Để có được trang trại như hôm nay, ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Kim Long từng mất nhiều năm loay hoay trong khó khăn với cây trồng công nghệ. Nhưng với quyết tâm cũng rất cao, cuối cùng, anh đã thành công.
Từng thất bại nhiều lần với mô hình trồng rau công nghệ cao, năm 2013, anh Quyết chuyển sang trồng dưa lưới. Nhờ có thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi tài liệu và tham quan nhiều mô hình dưa lưới, anh bắt đầu gặt hái thành công, trái dưa lưới đưa ra thị trường được đón nhận. Năm 2016, anh Quyết thành lập HTX Kim Long với 8 thành viên, vốn điều lệ 2,4 tỷ đồng.
“Muốn thành công thì sự kiên trì, quyết tâm cao chưa đủ, vì làm công nghệ liên quan đến kiến thức, nên phải không ngừng tìm tòi, học hỏi”, anh Quyết nói.
Anh Quyết cho biết, dưa lưới là loại cây khó tính, rất mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại, nên việc chăm sóc rất tỉ mỉ, nhất là tránh canh tác theo phương thức thông thường, rất dễ bị ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng.
Do đó, mô hình dưa lưới của HTX Kim Long được trồng và chăm sóc theo công nghệ nhà màng của Israel. Phía trên nhà màng là mái nhựa chuyên dùng che mưa, gió. Ngoài hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại từ bên ngoài, bên trong còn gắn quạt đối lưu nhằm điều hòa nhiệt độ cho cây phát triển.
“Nhân vật chính" trong nhà màng là cây dưa lưới, được trồng trong bầu giá thể. Các bầu giá đặt cách ly trên những viên gạch đặt trên vải bạt, không tiếp xúc với máng thu nước thải.
Cung cấp nước sạch và phân bón cho dưa là hệ thống tưới nhỏ giọt capinet và châm phân ventury. Việc tưới nước cho dưa được thực hiện tự động với thiết bị hẹn giờ, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ nhu cầu của cây; phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết.
Các chế phẩm chăm sóc cây dưa đều có nguồn gốc hữu cơ sinh học. HTX ra đời, anh Quyết trở thành thủ lĩnh, chịu trách nhiệm về kỹ thuật, vật tư và lo đầu ra sản phẩm cho các thành viên. Bình quân 1 ha dưa lưới cho doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 2,5 tỷ đồng.
Là người đã có nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao, anh Quyết muốn có những bước đi vững chắc, không chỉ cho mình mà còn nhiều thành viên khác trong HTX. Vì thế, để tránh tình trạng được mùa mất giá, anh không tổ chức sản xuất ồ ạt mà cân đối nguồn cung - cầu, biết lượng sức, "liệu cơm gắp mắm" để tránh tình trạng ứ đọng hàng.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng hàng hoá, anh Quyết là người chịu toàn bộ trách nhiệm về kỹ thuật, quy trình chăm sóc. HTX cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của thành viên.
Các thành viên trong HTX đều là những người giỏi canh tác. Bằng kỹ thuật HTX đưa ra, các hộ nông dân đã áp dụng hiệu quả để mang lại năng suất, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Cường, thành viên HTX Kim Long cho biết, đầu tư vào sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng, cho lợi nhuận khá cao. Với giá cả hiện nay, 1 ha trồng dưa lưới cho lợi nhuận gấp 10 lần trồng cao su. Gia đình ông sau khi thử nghiệm thành công đã mạnh dạn đầu tư 7.000 m2.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Lời đã đầu tư gần 1 tỷ đồng cho nông trại dưa lưới rộng gần 1ha. Theo ông Lời, hiện lợi nhuận từ trồng dưa lưới cao gấp 10 lần trồng cao su. Do cao su rớt giá thê thảm nên ông chuyển dần sang trồng dưa lưới và sắp tới sẽ mở rộng hơn diện tích trồng dưa lưới.
Anh Quyết cho biết khi hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần đưa mỗi người về đúng vị trí của mình. Người nông dân có đất, có kinh nghiệm canh tác, còn HTX có kỹ thuật, công nghệ, quản lý và thị trường. Sau 5 năm hoạt động, anh cho rằng mô hình làm việc này rất hiệu quả.
Anh Quyết phân tích: Thu nhập từ dưa lưới cao gấp hàng chục lần so với trồng cao su, điều. Nhưng điều kiện quan trọng là phải áp dụng khoa học kỹ thuật, vừa giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, khí hậu, vừa năng suất tăng lên hơn 30% so với canh tác truyền thống.
Ngoài ra, một yếu tố ngày càng quan trọng, đó là đảm bảo chất lượng sảo phẩm. Các thành viên HTX trước đây đa số là công nhân cao su, làm vất vả hơn, mà thu nhập thì lại ít hơn. Sau khi tham gia HTX Kim Long, thu nhập của họ tăng lên gấp nhiều lần. Chưa kể, công việc nhàn hơn, linh hoạt thời gian hơn.
Đến nay, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long được coi là một trong những là đơn vị điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Sau 5 năm hình thành và phát triển, từ 7 thành viên ban đầu và diện tích trồng dưa lưới chỉ 1,7 ha, HTX Kim Long hiện đã tăng lên 45 thành viên, tổng diện tích trồng dưa lưới tăng gần 13 ha.
Đặc biệt, tháng 1/2021 vừa qua, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long đã được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn GlobalGap cho thị trường Đông Nam Á và Thị trường Trung Đông cho sản phẩm dưa lưới công nghệ cao.
Với việc áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất theo hình thức nhà kính, đã giúp chi phí sản xuất của nông dân giảm khoảng 20%; giảm tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh, kiểm soát được tình hình dịch bệnh; giảm 70% lượng thuốc BVTV, giúp đảm bảo sức khỏe cho người lao động, bảo vệ môi trường và cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Tất cả sản phẩm của Kim Long từ khi trồng đến khi phân phối ra thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình VietGap và GlobalGap. Năm 2020, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.030 tấn sản phẩm, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng.
Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho thành viên trong HTX, HTX Kim Long còn bao tiêu sản phẩm cho nhiều đơn vị ở Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng ở Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội…
“Trong tương lai gần, khi HTX tăng quy mô về diện tích, sản lượng, mục tiêu của chúng tôi khi đó là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các thị trường tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực”, anh Quyết khẳng định.
Bình Dương là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa lưới nhiều nhất cả nước, sản phẩm dưa lưới của tỉnh hiện có mặt ở hệ thống siêu thị nhiều địa phương, tỉnh thành. Thành công với mô hình dưa lưới của HTX Kim Long cho thấy, mô hình kinh tế hợp tác, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ một cách bài bản, quy củ của HTX hay các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thành công.
Theo Hồng Thuỷ - Nguyễn Thắng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phat-len-nhanh-nho-dua-luoi-d291837.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã