Tỉnh Tuyên Quang xác định việc ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng là tiền đề vững chắc cho sản xuất VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Thực hiện chương trình này, đến nay toàn tỉnh có 7 HTX, 18 tổ hợp tác tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn toàn tỉnh là 1.612ha, gồm chè, lúa, rau...
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian qua, các địa phương đã tranh thủ lồng ghép được một số nguồn vốn để tập trung nguồn lực trong thực hiện các nội dung, giải pháp trong hoạt động IPM.
Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã mở 5 lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp cho cán bộ bảo vệ thực vật và cán bộ khuyến nông với 175 học viên tham gia, 9 lớp huấn luyện nông dân triển khai 9 mô hình sản xuất chè, bưởi, cam, rau an toàn theo IPM, VietGAP, triển khai 37 lớp IPM trên cây lúa, chè, cam, rau..
Công tác tập huấn, tuyên truyền về IPM được lồng ghép với việc triển khai sản xuất, tập huấn mùa vụ tại các địa phương để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nông dân hiểu biết về IPM. Lồng ghép triển khai một số mô hình IPM trên cây chè, lúa, cây ăn quả, rau có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực để mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên cây trồng, giảm được lượng thuốc, phân bón hóa học sử dụng.
Gia đình anh Trần Văn Quyền, thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm yên là một trong những người đầu tiên tham gia thực hiện mô hình IPM ở địa phương áp dụng trên cây chè. Tham gia mô hình này anh được cán bộ tập huấn kiến thức về quản lý dịch hại trên cây trồng. Do vậy, anh nâng cao được kiến thức về chọn giống, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật và nhu cầu dinh dưỡng của cây qua từng giai đoạn. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, anh Quyền đã áp dụng trên toàn bộ diện tích gần 1ha chè của mình.
Áp dụng tốt các kiến thức về IPM trên diện tích chè của gia đình nên 1ha chè của anh Quyền cho năng suất và chất lượng cao hơn. Nếu như trước đây, với cùng diện tích đó, anh Quyền chỉ thu về khoảng 2 tạ chè tươi/lứa, từ ngày áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp đã tăng lên hơn 2 tạ. Đặc biệt là 100% sản phẩm chè đều đạt chất lượng tốt, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và được thương lái tin tưởng thu mua với giá ổn định.
Tiếp tục mở rộng hiệu quả của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Tuyên Quang sẽ xây dựng 30 mô hình áp dụng IPM cấp tỉnh, 108 mô hình cấp huyện trên các loại cây trồng chủ lực như: Lúa, ngô, lạc, rau, chè, cây ăn quả.
Các mô hình này sẽ mở ra hi vọng về thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật IPM vào đồng ruộng. Các biện pháp che phủ đất, xử lý rơm rạ để cải tạo đất, trồng cây che bóng, cây che phủ đất, luân canh cây trồng để tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sử dụng giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, chịu rét, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương; sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc, pheromone, bẫy bả diệt sâu hại.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững nhằm giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.
Theo Đào Thanh - Nguyễn Toán/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/quan-ly-dich-hai-tong-hop-giai-doan-moi-d295160.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã