Phát huy thế mạnh của địa phương và được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh, xã Võ Ninh và Gia Ninh bước đầu đã hình thành được các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, cung cấp nguồn rau thương phẩm sạch cho thị trường, đảm bảo thu nhập khá ổn định.
Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất rau an toàn theo dự án liên kết chuỗi giá trị rau, củ, quả của gia đình anh Phạm Thạch, chị Phạm Thị Huệ (thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh) đúng vào dịp gia đình anh, chị đang bước vào thu hoạch lứa rau đầu tiên sau đợt lũ lụt tháng 10/2020.
Cũng như nhiều hộ khác, vườn rau màu gần 2.000m2 của gia đình chị Huệ tan hoang sau lũ, cơ sở vật chất, hệ thống lưới che, khu nhà màng, hệ thống phun tưới tự động… bị hỏng hoàn toàn.
Vợ chồng chị Huệ phải bắt tay xây dựng lại từ đầu. Và sau 2 tháng khôi phục sản xuất, vườn rau của gia đình chị đã cho thu hoạch.
Chị Phạm Thị Huệ cho biết: "Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xã, gia đình tôi làm nghề trồng rau màu hàng chục năm nay. Tuy nhiên trước đây, tôi sản xuất rau màu theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả chưa cao...".
Theo chị Huệ, từ khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ quy trình trồng rau màu theo hướng VietGAP thì hiệu quả kinh tế đưa lại từ nghề trồng rau cao hơn trước rất nhiều.
Đặc biệt là rau thương phẩm xuất ra thị trường được kiểm định, có bao bì, nhãn mác và nguồn gốc nên rất dễ tiêu thụ...
Ông Trần Văn Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh cho biết: Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhằm hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, từ tháng 5/2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện dự án liên kết chuỗi gia trị rau củ quả trên địa bàn 3 xã Võ Ninh, Gia Ninh và Hải Ninh.
Với phương thức luân canh gối vụ, các hộ sản xuất rau an toàn bước đầu đã đưa lại hiệu quả khá cao và được thị trường ưa chuộng; bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/ngày; đặc biệt vào mùa hè lên đến hơn 400.000 đồng/ngày.
Hiện nay, các hộ trồng rau đã cơ bản ổn định sản xuất sau lũ, nguồn rau sạch đã có mặt tại thị trường các chợ trong huyện và thành phố Đồng Hới.
Điều đáng ghi nhận là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh chú trọng công tác tuyên truyền, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và xây dựng được trang web bán hàng nên nguồn rau sạch các hộ sản xuất tiêu thụ rất tốt, nhiều thương lái đến tận vườn để thu mua.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP đã đưa lại thu nhập cho các hộ gia đình từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Theo Hà Ngọc Khang/danviet.vn
https://danviet.vn/quang-binh-trong-rau-an-toan-theo-cach-nay-nong-dan-yen-tam-co-thu-nhap-deu-deu-20210119103324519.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã