Chiều 12/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Trong 10 năm qua, chúng ta triển khai thực hiện Đề án 61 trong bối cảnh nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn đan xen. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thậm chí còn bị ảnh hưởng hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế và việc làm ổn định cho người dân nông thôn.
Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân ký kết nhiều chương trình hợp tác và phối hợp, triển khai tuyên tuyền hội viên nông dân, qua đó thay đổi nhận thức của người nông dân. Từ chỗ bị động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nông dân chủ động phát triển sản xuất và tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
“Đến nay, chúng ta đã xây dựng được 17.000 hợp tác xã và khoảng 65.000 tổ hợp tác trong phát triển nông nghiệp. Kết quả trên đã vượt xa mục tiêu xây dựng 15.000 hợp tác xã đã đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Đặc biệt, các thành viên Hội Nông dân đã tham gia quản lý 1.620 chuỗi nông sản an toàn và chuỗi liên kết sản xuất. Đây là số liệu rất ấn tượng, qua đó tạo sự chuyển biên sâu sắc trong nhận thức của xã hội đối với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng miền, đảm bảo sức cạnh tranh và an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
“Việc đẩy mạnh tái cơ cấu đã góp phần trực tiếp đưa sản lượng lúa tăng 12%, sản lượng rau các loại tăng 80% và trái cây khoảng 50% so với năm 2010”, ông Hiệp chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đánh giá, trong giai đoạn 10 năm qua, nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển và tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, đã có hơn 4 tỷ đồng được phê duyệt.
Giai đoạn 2010 - 2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân nhóm nông sản đạt 3,5%/năm. Trong đó các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng tích cực như rau quả đạt 26,4%/năm, gỗ đạt 13,4%/năm, hạt điều đạt 12,6%/năm...
Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường đạt mức 2 con số như: xuất khẩu sang Chi Lê tăng 3,6 lần sau 5 năm, tăng bình quân 28,9%/năm; Ấn Độ tăng 15,6 lần sau 9 năm, tăng bình quân 35,6%/năm; Hàn Quốc tăng 21,6 lần sau 12 năm; tăng bình quân 19,2%/năm; Trung Quốc tăng 14,3 lần sau 14 năm, tăng bình quân 20,9%/năm.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 61, cho biết: Để hình thành các tổ chức nông dân, Trung ương Hội đã ký Chương trình phối hợp với Bộ NN-PTNT, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Các hội cũng đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo ra nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, gắn với đẩy mạnh thâm canh, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Hàng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo trị giá trên 4.800 tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động. Đồng thời, giúp cho hơn 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100.000 hộ dân thoát nghèo.
Thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng từ 9,15 triệu đồng/người (năm 2018) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm), đến năm 2020 ước còn dưới 3%.
Ông Thào Xuân Sùng cho rằng, đời sống của cư dân nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền có xu hướng gia tăng, kết quả xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn chưa bền vững.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn tới những tồn tại trên, Chủ tịch Hội Nông dân cho rằng, vẫn có nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt là một số sở, ban, ngành địa phương chưa nhận thức đúng về trách nhiệm thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng, nên chưa tích cực chủ động hợp tác với Hội Nông dân cùng cấp, đùn đẩy trách nhiệm cho Hội Nông dân chủ động tham mưu với các cấp chính quyền.
Còn một số mô hình, trung tâm đào tạo nghề của nông dân hoạt động còn hạn chế. Thầy là thế nào, nghề là gì, cần phải cân nhắc rất cẩn thận để đào tạo thiết thực cho nông dân. Đào tạo nghề còn nhiều bất cập, nên Tổng cục Dạy nghề Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này, bởi Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhưng vẫn chưa phát huy hết.
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/san-luong-rau-cua-viet-nam-tang-80-sau-10-nam-d279498.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã