Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp; thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp cùng các huyện, thị trong tỉnh thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để cải thiện thu nhập cho nông dân.
Ngoài huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú, huyện Mỹ Tú cũng từng được xem là vùng mía nguyên liệu lớn của tỉnh Sóc Trăng với diện tích chuyên mía trên 1500 ha.
Cây mía được trồng tập trung ở các xã: Hưng Phú, Long Hưng, Mỹ Tú và Mỹ Thuận của huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng). Một thời gian dài cây mía cũng là đối tượng được người dân nơi đây ưu tiên lựa chọn để phát triển kinh tế bên cạnh cây lúa, cây tràm.
Từ sau 2010, giá mía giảm dần, giá đường không hồi phục, nông dân trồng mía đã chuyển dần sang trồng cây ăn trái, trồng lúa, tràm Úc, hoặc trồng các loại rau màu khác.
Tuy vậy, không phải người trồng mía đều có vốn cải tạo đất để trồng lúa, hoặc lập vườn trồng cây ăn trái do nhiều năm thua lỗ, vốn tái sản xuất gần như cạn kiệt.
Tận dụng đất mía để trồng khổ qua là hướng để nông dân tái tạo vốn khôi phục sản xuất.
Đầu năm 2020, cây khổ qua được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng triển khai trồng thí điểm trên nền đất mía tại hộ ông Nguyễn Văn Kịp ở ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng với diện tích 1 ha.
Thực hiện mô hình trồng khổ qua thực nghiệm để nông dân nhân rộng, Chi cục hỗ trợ 50% hạt giống khổ qua, 50% phân, vật tư nông nghiệp.
Sau 45 ngày gieo hạt là cây khổ qua bắt đầu cho thu hoạch và năng suất tăng dần theo tốc độ phát triển của cây. Trung bình cứ mỗi đợt thu hoạch, ông Kịp sẽ thu được từ 2 đến 3 tấn trái, với giá bán trái khổ qua được thương lái thu mua tại ruộng từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, gia đình có thể thu về lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/1 công.
Thấy được tính hiệu quả kinh tế của cây khổ qua, ông Kịp tiếp tục đầu tư tiếp 2 ha đất trồng mía còn lại với hi vọng mô hình chuyển đổi này sẽ giúp gia đình cải thiện thu nhập sau nhiều năm bấp bênh vì cây mía.
Ông Kịp chia sẻ: “Khổ qua này cũng dễ trồng, trồng không bị chết dây. Giá này là còn rẻ nên lãi chưa được nhiều, chứ giá 9 hay 10 nghìn đồng 1 kí thì lợi nhuận gấp đôi so với trồng mía”.
Từ hiệu quả của mô hình trồng khổ qua thí điểm, cây khổ qua bắt đầu được nhiều nông dân trong vùng trồng nhân rộng trên đất mía, đất bờ bao. Nhiều hộ còn còn thực hiện trồng khổ qua theo hướng sạch, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học trong suốt quá trình chăm sóc.
Đây là xu thế sản xuất rất tiến bộ, bởi nông sản làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn thì người trồng rau màu nói chung, trồng khổ qua nói riêng sẽ không còn lo chuyện đầu ra và giá trị sẽ tăng lên, đất đai cũng chậm bạt màu so với dùng phân hóa học.
Hiện nay, diện tích trồng mía tại huyện Mỹ Tú giảm chỉ còn 500 ha, trong số 400 ha đất mía được chuyển đổi sang trồng rau màu thì đã có hơn 30% diện tích là trồng khổ qua.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện, Mỹ Tú sẽ nhân rộng mô hình trồng khổ qua ở các xã Hưng Phú, Mỹ Phước và Mỹ Tú.
Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vùng trồng mía ổn định lại sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Hoàng Cơ – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) thông tin: “Ngành cũng sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật, các buổi hội thảo vào cuối vụ để đánh giá lại hiệu quả mô hình trồng khổ qua. Về đầu ra thì hiện nay có 2 nguồn đầu ra ổn định thu mua tại rẫy khi bà con thu hoạch, có thể đảm bảo số lượng tiêu thụ mỗi ngày hơn 10 tấn trái”.
Nếu như việc cải tạo từ đất mía sang đất trồng lúa mỗi ha đất phải mất từ 70 đến 80 triệu đồng thì đối với giải pháp đưa cây màu, trong đó có cây khổ qua lên nền đất mía, nông dân chỉ cần cải tạo mặt bằng là có thể xuống giống.
Cây khổ qua không phải là đối tượng cây trồng mới nhưng khi tận dụng để phát triển trên nền đất mía đã khẳng định tính hiệu quả. Người trồng mía huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã thật sự tìm được cây trồng thay thế và không còn cảnh trông chờ may rủi vào giá mía như trước đây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã