Ở ấp I, xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có nông dân Lâm Văn To được cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh xác nhận mô hình nông dân sáng tạo. Ông To là thành viên trong HTX Phát Đạt, xã Châu Khánh. Nhà ông có 10 công đất ruộng, từ lâu nay canh tác lúa 2 vụ/năm. Quanh vùng đất Châu Khánh vào mùa khô nước mặn dấn sâu vào các kênh rạch nội đồng. Mặn bủa vây không thể trồng cây gì được chỉ vì thiếu nước ngọt. Chẳng lẽ bó tay ngồi chờ mưa? Nghĩ vậy, từ 2 năm qua ông To âm thầm chuyển đổi cây trồng trên một phần đất bờ, phân ra khoảng 6 công đất cho đắp bờ, đào ao trữ nước và trồng bưởi da xanh.
Nước ngọt là giải pháp ưu tiên. Sau khi tìm hiểu xem xét kỹ lưỡng các mô hình tưới nước tiết kiệm, tưới phun, ông To nghĩ ngay tới cây dưa leo mà bà con trong xóm và mình cũng quen trồng. Bởi nếu trồng được mùa nghịch giá bán cao hơn gấp 3 lần. Ông To nói: Đây là vụ dưa leo đầu tiên tôi thử nghiệm trên 2 công đất trồng xen với bưởi. Tôi đào mương cạn ngang khoảng 8 tấc chạy dọc theo chiều dài bờ trồng bưởi, mua bạt cao su lót kín đáy mương để trữ nước và dọc theo bờ dưa lắp đường ống tưới phun chạy dài cùng với hệ thống van, phía đầu bờ là mô-tơ điện bơm nước. Toàn bộ chi phí lắp đặt hơn 7 triệu đồng.
Ông To trồng dưa leo, sử dụng phân hữu cơ, tưới nước tiết kiệm. Kết quả thu hoạch đạt hơn mong chờ, năng suất trên 10 tấn/công (trong khi bình thường 5-6 tấn/công xem như trúng mùa). Hơn nữa nhờ mùa nghịch dưa leo bán giá cao 12.000-13.000 đ/kg, cao hơn giá bán mùa chính trong năm khoảng 5.000-7.000 đ/kg. Kết thúc vụ, 2 công dưa leo vừa qua ông To thu được 139 triệu đồng, trong đó phần chi phí SX khoảng 20 triệu đồng.
Cùng cách trồng dưa leo mùa nghịch giống ông To, ở xã Châu Khánh còn có nông dân Tạ Văn Hòa với 2,5 công tổng thu đạt 140 triệu đồng, ông Thuận trồng 3,5 công tổng thu 200 triệu đồng. Ông To từ tốn, nói: Có thể do một số bà con còn ngại chi phí đầu tư ban đầu. Nhưng thực tế qua cách làm mới cho thấy đơn giản, dễ làm. Chi phí đầu tư ban đầu thấp và lợi ích sử dụng bạt cao su chống thấm và thất thoát nước xuống đáy mương. Hệ thống đường ống tưới phun, mô-tơ bơm nước còn sử dụng qua nhiều lần mùa sau. Phần ao mương có thể trữ từ nước sông đầu mùa khi chưa nhiễm mặn, nước mưa hoặc lúc thắt ngặt nguồn nước có thể nhờ nước ngầm cứu khát cho cây trồng.
Thật khác lạ khi bước chân vào vườn bưởi da xanh mát rượi của ông Hai Cần, ở huyện Long Phú, chỉ cách cửa biển Mỹ Thanh – nơi nước mặn mênh mông khoảng 14 km. Mô hình chuyển đổi cây trồng này được xem khá độc đáo.
Còn ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có mô hình trồng màu của anh Lý Sà Rin. Sau vụ lúa ĐX tiếp nối mùa dưa hấu. Anh cho rằng: Muốn làm theo mô hình này cần có ao, mương trữ nước. Phải tích nước đầy ao trước khi mặn vào kênh nội đồng. Đến khi mặn lên đầy kênh hay nắng hạn gay gắt vẫn không lo dưa thiếu nước tưới. Dưa hấu mùa nghịch nếu trồng đạt năng suất, lãi đạt hơn 15-20 triệu đồng/công.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2017-2020 của tỉnh đạt trên 20.600 ha. Trong năm 2020 tỉnh có kế hoạch tiếp tục chuyển đổi đất lúa trên 9.500 ha. Trong đó hơn 1.100 ha chuyển đổi sang cây trồng hàng năm, hơn 565 ha chuyển sang cây lâu năm và hơn 7.800 ha chuyển nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa.
Hiệu quả kinh tế từ các mô chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm năm lợi nhuận đạt từ 40-80 triệu đồng/ha. Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm lợi nhuận đạt từ 100-200 triệu đồng/ha. Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản (như nuôi cá đăng quầng trong mùa nước nổi) lợi nhuận đạt từ 15-20 triệu đồng/ha.
Ông Võ Văn Vũ, Phó trưởng phòng BVTV – Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng nhận xét: Các mô hình chuyển đổi cây trồng muốn đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và sự đồng tình của người dân.
Những năm gần đây ông Vũ cùng nhóm cán bộ BVTV trực tiếp tham quan, hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi nhiều mô hình. Theo ông Vũ, nhiều nông dân muốn chuyển đổi cây trồng gia tăng hiệu quả SX nhưng còn do dự. Một số lúng úng trong việc chọn loại cây trồng đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Đa số người dân còn chuyển đổi theo hướng tự phát.
Trong khi đó trên diện rộng, một số địa phương chưa xây dựng vùng quy hoạch chuyển đổi tập trung gắn với liên kết tiêu thụ. Đầu tư phát triển hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu SX nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Do vậy cần có chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích nông dân an tâm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch và cán bộ chuyên môn phải hết sức sâu sát.
Đầu mùa khô 2019-2020, dọc theo tuyến lộ nam sông Hậu đoạn qua địa bàn huyện Long Phú và Trần Đề đến vùng tiếp giáp hai cửa sông Hậu và Mỹ Thanh bị hạn mặn gay gắt. Mặn bủa vây 58.000 ha đất tự nhiên nằm trong đê bao. Trong đó có 52.000 ha đất trồng lúa. Sở NN-PTNT Sóc Trăng khuyến cáo, sau vụ ĐX nông dân không nối tiếp xuống giống vụ xuân hè ở những nơi khan hiếm nguồn nước ngọt, cần tìm biện pháp tích trữ nước, tiết kiệm nước tưới và chuyển đổi sang trồng rau màu đáp ứng theo nhu cầu thị trường.
Nguồn tin: Hữu Đức - Trọng Linh/nongnghiep.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã