Chuyển giao kỹ thuật cho nông dân
An Giang là một trong 8 tỉnh ĐBSCL tham gia hợp phần lúa gạo của dự án với vốn đầu tư 16,218 triệu USD, trong đó, vốn ODA 9,647 triệu USD và ngân sách nhà nước tỉnh 2,365 triệu USD, còn lại là đối ứng của tư nhân 4,2 triệu USD.
Tại An Giang, dự án triển khai từ vụ Thu Đông 2016 tại 45 xã thuộc 5 huyện gồm Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn với đối tượng là 26.000 hộ nông dân trên địa bàn với diện tích 38.600 ha. Mục tiêu của VnSAT An Giang là đến năm 2020 toàn vùng dự án có 17.000 ha áp dụng thành công các giải pháp canh tác tiên tiến, 5.600 ha canh tác có liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người trồng lúa lên 30%.
Đến nay, tỉnh An Giang cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của dự án, tuy nhiên Ban Quản lý dự án vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trong những tháng cuối năm theo kế hoạch 2020 và tích cực chuẩn bị kế hoạch hoạt động cho giai đoạn gia hạn dự án đến tháng 6/2022.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc VnSAT An Giang cho biết: Từ đầu dự án đến nay, VnSAT An Giang đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm 3 tăng” “1 phải 5 giảm” cho 23.000 lượt nông dân thông qua 750 lớp đào tạo tập huấn trên diện tích 35.500 ha. Song song đó thực hiện 100 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa. Ghi nhận tại xã tham gia dự án VnSAT là nông dân giảm đáng kể lượng lúa gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó thu nhập tăng 22,3%.
Dự án còn tổ chức hơn 100 lớp tập huấn hỗ kỹ thuật cho 4.500 nông dân về nhân giống lúa xác nhận, kỹ thuật luân canh cây trồng, tận dụng phụ phế phẩm lúa gạo và sản xuất lúa theo hướng VietGAP - SRP. Ngoài ra, để giúp những nông dân ở ngoài xã khó có thể tham dự lớp các tập huấn kỹ thuật phân bổ suốt vụ, dự án linh động tổ chức 40 cuộc hội thảo truyền thông về dự án lồng ghép truyền đạt kỹ thuật chủ yếu theo “1 phải 5 giảm” cho 2.141 nông dân tham dự.
Cùng với tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công tác truyền thông cũng được tích cực đẩy mạnh để tạo tác động lan toả rộng khắp trên địa bàn. Ban Quản lý dự án đã in ấn phát hành được 600 lịch để bàn, 1.100 lịch treo tường, 15.000 quyển sổ tay hướng dẫn áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” “1 phải 5 giảm”, 48.000 sổ ghi chép đồng ruộng, 600 quyển sổ tay, 1.500 tờ rơi về dự án VnSAT và 1.900 tờ rơi về kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” “1 phải 5 giảm”, lắp đặt 30 bảng pano và 650 áp phích tại các huyện trong vùng dự án.
Tại TP. Cần Thơ, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSat Cần Thơ thực hiện ở 4 huyện trọng điểm trồng lúa là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt. Tổng diện tích thực hiện 38.863ha với 32.231 hộ nông dân tham gia nhằm gia tăng 30% lợi nhuận.
Trong vụ lúa hè thu và thu đông 2020 VnSat Cần Thơ triển khai mô hình 8ha tại HTX Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh nhằm giúp giảm giống kết hợp với máy trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser và áp dụng “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”. Bên cạnh đó cũng triển khai mô hình 9ha ruộng đối chứng sản xuất theo truyền thống.
Ông Nguyễn Cao Khải, GĐ HTX Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ cho biết: HTX hiện có 20 thành viên, diện tích sản xuất 170ha, nằm trong cánh đồng lớn của xã Thạnh An với tổng diện tích 1.200ha. Vụ hè thu và thu đông vừa qua có trên 200 nông dân được Dự án VnSAT triển khai tập huấn kỹ thuật canh tác “3 giảm 3 tăng” và "1 phải, 5 giảm".
Trước đây bà con gieo sạ đến 30-35 kg/công, nhưng giờ qua lớp tập huấn áp dụng “1 phải 5 giảm” nhiều xã viên đã chuyển qua áp dụng cấy máy với khoảng 9-10 kg lúa giống/công, phân đạm cũng sử dụng ít lại so với trước.
Theo ông Khải, trước đây, sạ thủ công bằng tay sử dụng lượng giống tới 20-23kg giống/công. Thế nhưng, gần đây khi áp dụng các máy sạ hàng và máy phun hạt để sạ lúa, nông dân chỉ sử dụng lượng giống từ 14-15 kg/công. Đặc biệt, đối với những ruộng lúa được cấy bằng máy, chỉ sử dụng lượng lúa giống khoảng 6,5 kg/công mà lúa vẫn rất trúng, lại giảm được ít nhất từ 1-2 lần phun thuốc BVTV.
Lúa được cấy thẳng hàng, mật độ đồng đều, thuận lợi ánh nắng chiếu vào thân, rễ… từ đó sinh trưởng tốt, ít bị đổ ngã và sâu bệnh. HTX cũng được VnSAT TP. Cần Thơ hỗ trợ mua 1 máy cấy. Vụ thu đông 2020, toàn HTX có hơn 250ha lúa được cấy máy, các diện tích còn lại đều được gieo sạ bằng máy phun hạt và sạ hàng.
Nâng cao năng lực cho tổ chức nông dân
Bên cạnh các hoạt động chuyển giao giải pháp canh tác tiên tiến, Dự án VnSAT An Giang đặc biệt chú trọng vào hoạt động hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực các tổ chức nông dân. Dự án đã tổ chức được 6 lớp về đào tạo, quản lý HTX cho 199 học viên và 4 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn, hỗ trợ thành lập 13 HTX và 13 tổ hợp tác mới, nâng tổng số tổ chức nông dân hình thành và hoạt động trên địa bàn dự án lên 66 đơn vị.
Hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất cho các tổ chức nông dân để tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, VnSAT An Giang đã lựa chọn 12 tổ chức nông dân có quy mô từ 500 ha trở lên đáp ứng điều kiện là áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững trên 50% số hộ hoặc 50% diện tích để hỗ trợ đầu tư 12 tiểu dự án.
Riêng vụ lúa hè thu 2020, VnSAT Cần Thơ đã chọn HTX Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh làm nơi thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng với diện tích khoảng 8ha, gắn với cơ giới hóa khâu gieo cấy và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, triển khai các mô hình đối chứng để cuối vụ thu hoạch lúa có sự so sánh, đánh giá, từ đó có các khuyến cáo giúp nông dân nhân rộng mô hình. HTX cũng được VnSAT Cần Thơ hỗ trợ xây dựng 1 trạm bơm điện, 1 nhà kho chứa lúa khoảng 1.000 tấn và 1 lò sấy lúa có công suất 40 tấn/mẻ sấy.
Nhiều tiểu dự án đã đi vào hoạt động
Theo VnSAT An Giang, hiện nay các tiểu dự án trên địa bàn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong đợt 1 với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng gồm: HTX Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú; HTX Phú Nhuận, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú; Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên; HTX Nông Nghiệp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú.
Trong đợt 2, dự án tiếp tục đầu tư 7 tiểu dự án với tổng kinh phí 46 tỷ đồng tại: Tổ hợp tác Tân Hòa, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên; HTX Nông nghiệp Đức Thành, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú; HTX Nông nghiệp hòa An, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú; HTX Nông nghiệp Thạnh Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn; HTX Nông nghiệp Tây Phú, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn; HTX Nông nghiệp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn; HTX Nông nghiệp Vọng Đông, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn. Trong đó, 5 tiểu dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn lại 2 tiểu dự án ở HTX Bình Thành và HTX Vọng Đông sẽ hoàn thành vào tháng 11 năm 2020.
Đào Chánh
Theo Trần Trung - Minh Sáng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã