Người dân hiến đất làm đường khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn.
Chung sức làm đường
Có dịp về xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn chúng tôi thực sự thấy ngỡ ngàng trước những đổi thay tại vùng đất này. Đường vào trung tâm xã mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ, liền kề hai bên là những con đường thôn xóm đã được bê tông hoá. Chính từ những con đường được xây mới, cải tạo kiên cố mà mạng lưới giao thông trong toàn xã đã được thông suốt, không chỉ giúp cho việc đi lại được thuận lợi mà còn mở ra hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Đến nay bộ mặt của xã đã thay đổi được diện mạo, thu nhập người dân tăng lên nhờ có trao đổi, buôn bán nông lâm sản. Ông Hà Đức Thuận – Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi biết: Xác định giao thông phải đi trước một bước, có làm được đường thì kinh tế mới phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai, xã đã xác định lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm. Trong đó, tập trung tạo sự đồng thuận, chỉ rõ những lợi ích mà người dân được hưởng và những việc dân cần làm. Trong nhiệm kỳ qua người dân tham gia đóng góp hơn 680 triệu đồng làm mới 4,6km, sửa chữa mở rộng 1,3km đường giao thông nông thôn, với tổng giá trị trên 3,4 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đường giao thông được kiên cố hóa đạt 78%. Đây là kết quả của sự nỗ lực từ việc thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Đường bê tông dẫn vào khu Ít, một trong những khu khó khăn nhất của xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn.
Đường đến đâu, diện mạo nông thôn đổi thay đến đó, bài toán xóa đói giảm nghèo cũng tự nhiên tìm ra lời giải. Hàng hóa nông sản được thông thương thuận lợi, bà con không ngừng mở rộng diện tích đất canh tác. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ổn định, từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển một số sản phẩm chủ lực, mũi nhọn cho giá trị kinh tế cao như: Cây nguyên liệu, chè, bưởi, cam, chăn nuôi trâu, bò, dê; thành lập HTX gà nhiều cựa, HTX trồng cây ăn quả. Lương thực bình quân đầu người đạt trên 380kg/người, sản lượng chè búp tươi đạt 360 tấn, tổng diện tích trồng cây lâm nghiệp 1.229,9ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4,6%/năm.
Bà Hà Thị Rén, khu Ít, xã Kiệt Sơn cho biết: Trước đây, chưa có đường bê tông, ngô, lúa chở về nhà gặp nhiều khó khăn, thương lái ép giá thu mua. Bây giờ nông sản chở được bằng xe lớn, tiết kiệm thời gian lại không mất nhiều công sức, việc thu hoạch nhanh, đảm bảo năng suất, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi.
Vui mừng về những con đường mới, người dân nơi đây còn hy vọng công trình cầu Kiệt Sơn đang được thi công với quy mô phần cầu chiều rộng 8m, dài 86m, tổng vốn đầu tư hơn 28 tỷ đồng, khi được đưa vào sử dụng góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, khắc phục trình trạng chia cắt, cô lập khi có mưa lũ nhiều năm qua, nhất là khu vực cụm xã: Kiệt Sơn, Lai Đồng, Đồng Sơn, Tân Sơn.
Không chỉ ở Kiệt Sơn mà ở nhiều địa phương trong huyện, phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển khá mạnh. Nhờ sử dụng nguồn lực từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án 135, 30a, bình quân mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng đầu tư cho giao thông, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của người dân. Những con đường mới mở ra, nối liền và thu hẹp khoảng cách giữa các xã, bản. Cùng với đó, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác giao thông nông thôn ở cấp xã đã được nâng lên rõ rệt, qua đó giúp cho phong trào phát triển giao thông nông thôn ở cơ sở được thực hiện bài bản, hiệu quả hơn.
Hạ tầng giao thông là đòn bẩy phát triển
Sự thay đổi nhanh chóng của huyện miền núi Tân Sơn bắt nguồn từ việc Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Sơn thực hiện hóa chủ trương “giao thông đi trước mở đường” bằng nhiều giải pháp căn cơ, sử dụng các nguồn lực sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất, ưu tiên đầu tư vào những công trình quan trọng, thiết yếu. Giai đoạn 2016-2020 đã cải tạo, nâng cấp, được 46km quốc lộ; 8km đường tỉnh lộ; cải tạo, nâng cấp, làm mới hơn 147km đường giao thông nông thôn và gần 42km đường giao thông từ chương trình Nhà nước cấp xi măng, nhân dân góp công, vật liệu cát, sỏi. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đến hết năm 2020 đạt 70,5%, trong đó đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%, đường trục thôn, xóm cứng hóa đạt 68%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 24,4%. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn này là 687,48 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa 12,35 tỷ đồng.
Nổi bật trong công tác phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện trong những năm qua phải kể đến việc đầu tư xây dựng các công trình cầu dân sinh. Để khắc phục tình trạng địa hình có nhiều đồi núi, sông, suối dẫn đến vào mùa mưa một số khu vực bị chia cắt, cô lập, 5 năm qua, huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng đầu tư xây dựng được 14 cây cầu vượt lũ tại một số “nút thắt” về giao thông như: Cầu treo Bến Gạo, xã Văn Luông; Cầu xóm Dặt, xã Thạch Kiệt; Cầu khu Thang, xã Xuân Đài…
Cầu Kiệt Sơn với vốn đầu tư hơn 28 tỷ đồng đang được xây dựng, khi đưa vào sử dụng góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, khắc phục trình trạng chia cắt, cô lập khi có mưa lũ.
Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, mũi nhọn cho giá trị kinh tế cao như cây chè, gỗ nguyên liệu giấy và gà nhiều cựa. So với năm 2015, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên mỗi héc ta đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 100,1 triệu đồng, tăng hơn 37%; sản lượng chè búp tươi đạt trên 38 nghìn tấn, tăng 19,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 120 nghìn m3/năm. Người dân trong huyện phát huy thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, nâng tổng đàn trâu, bò lên 23 nghìn con, đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 62%. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 12 tiêu chí/xã; xã Minh Đài đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; có 3 xã cơ bản đạt chuẩn và 20 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ kết quả đó, Tân Sơn đã ra khỏi danh sách 61 huyện nghèo, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, sớm hơn hai năm so với đề án được phê duyệt.
Ông Tạ Ngọc Yến – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện Tân Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, khảo sát, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển các tuyến đường đến các thôn, bản vùng sâu vùng xa; đầu tư mới và nâng cấp theo lộ trình, thứ tự ưu tiên. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện phát triển giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ cơ sở trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; tăng cường công tác quản lý công trình sau đầu tư. Đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể tích cực tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn tại các xã. Từ đó góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện.
Qua 5 năm, bức tranh toàn cảnh về mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện đã có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Phát huy những kết quả đạt được, tin tưởng rằng thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện sẽ ngày càng hoàn chỉnh và thông suốt, từ đó, mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho đồng bào vùng cao.
Tú Anh
Nguồn tin: nongthonmoiphutho.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã