Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Hà Duy Văn ở Tổ dân phố số 6, phường Châu Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên phát triển quy mô vườn ao chuồng với diện tích 5,5ha. Trên diện tích đó, ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và trồng cây gỗ lớn. Trong đó, ông Văn chủ yếu phát triển theo hướng chăn nuôi: Lợn, gà, cá.
Với quy mô diện tích chuồng trại nuôi gà rộng 3.000m2, ông Văn hợp tác với Malaysia và Unicef nuôi theo hướng gia công. Ông thực hiện nuôi 2 tháng 1 lứa, mỗi lứa khoảng 2,5 vạn con đạt sản lượng 70 tấn/lứa, trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 400 tấn gà thương phẩm. Còn với lợn, hiện ông nuôi trong 2.000m2 chuồng trại, mỗi năm ông xuất bán khoảng 150 tấn. Chưa kể thu nhập từ 5.000m2 diện tích chăn nuôi cá và 1.000m2 cây ăn quả. Số diện tích còn lại, ông Văn trồng cây gỗ lớn như xà cừ, keo vừa giúp tạo cảnh quan vừa mang lại nguồn lợi đáng kể.
Ông Văn cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình tổng hợp này tương đối lớn, khoảng 8 tỷ đồng. Trước khi đến với mô hình ông đã trải qua nhiều nghề khác nhau.
Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2001, ông và gia đình chuyển về đây thuê đất để sinh sống và phát triển nông nghiệp. Theo ông Văn, khó khăn lớn nhất của gia đình ông hiện nay là về vốn và kỹ thuật chăn nuôi. Mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhưng để làm được mô hình có quy mô lớn như hiện nay là vô cùng khó. Vì không chỉ đảm bảo duy trì lợi nhuận mà yếu tố quan trọng nhất được ông trăn trở và hướng tới là phát triển nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Do đó ông Văn không ngừng nghiên cứu học hỏi để tìm ra hướng đi hiệu quả nhất, vừa phát triển kinh tế nhưng lại phải giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp. Để làm được điều đó, thì việc xử lý nguồn chất thải từ chăn nuôi là vô vùng quan trọng.
Ông Văn chia sẻ, đối với nguồn phân lợn và phân gà thải ra, ông thu gom lại rồi đóng vào các bao tải, ủ men vi sinh sau đó bán cho người dân có nhu cầu. Số còn lại, ông dùng làm phân bón cho cây trồng trong vườn của gia đình. Đối với nguồn nước thải của lợn, ngoài sử dụng bể chứa biogas thì nguồn nước thải thừa ra ông tận dụng để tưới cây ăn quả. Tất cả đều được thực hiện theo một quy trình khép kín nên rất đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, không gây mùi ảnh hưởng đến những hộ xung quanh.
Ban đầu khi quyết định xây dựng mô hình, ông Văn đã nghĩ ngay đến việc phải có phương án xử lý môi trường thích hợp để đảm bảo yếu tố chăn nuôi sạch. Hiện nay, tất cả nguồn thức ăn cho lợn đều được ông tự sản xuất và chế biến thông qua việc nhập nguyên liệu đầu vào như ngô, khô đậu rồi phối trộn với các loại chất phù hợp đảm bảo dinh dưỡng. Điều này vừa giúp phòng tránh dịch bệnh lại vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, công tác phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, gia cầm cũng được ông rất quan tâm và thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Thực hiện việc kiểm soát đầu vào một cách sát sao từ thức ăn đến con người, đảm bảo phun khử trùng tiêu độc thường xuyên những nơi ra vào, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, nhiều đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình ông ít bị ảnh hưởng gì, kể cả dịch tả lợn Châu Phi.
Ngoài tạo nguồn lợi nhuận lớn cho gia đình từ việc chăn nuôi, ông Văn còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Văn cho biết, sẽ không mở rộng thêm quy mô diện tích để đảm bảo xử lý tốt nhất vấn đề môi trường, đồng thời ổn định nguồn lao động cho mô hình phát triển hiệu quả.
Theo Kiều Hải/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã