09 sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Ngày 18/6/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên.
Theo Quyết định, danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực bao gồm 09 sản phẩm ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp: Trồng trọt có 03 sản phẩm là: chè, lúa gạo, rau quả; Chăn nuôi có 02 sản phẩm: thịt lợn, thịt gà và trứng gà; thủy sản có 01 sản phẩm: cá nước ngọt; Lâm nghiệp có 03 sản phẩm: gỗ và sản phẩm từ gỗ, cây quế, cây dược liệu.
Phát triển cây ăn quả chất lượng cao
Thái Nguyên hiện có 17.054 ha cây ăn quả; trong đó vải, nhãn và chuối chiếm hơn 50%; còn lại là các loại cây ăn quả khác như na, cam, bưởi Diễn...
Hướng tới phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao, thời gian qua nông dân Thái Nguyên đã áp dụng kinh nghiệm trồng, thâm canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng túi bao quả, nuôi cấy,... Qua đó, thu nhập của người trồng cây ăn quả tăng 20 - 50% so với 5 năm trước. Hiện nay, Thái Nguyên đã hình thành 8 vùng sản xuất quả các loại với tổng diện tích trên 420ha, tập trung tại các địa phương có truyền thống trồng cây ăn quả như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Võ Nhai… Trong đó có 30,5ha cây trồng đã áp dụng quản lý nước tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm sử dụng phun van xoay tự động.
Đồng Hỷ: Đầu tư gần 7 tỷ đồng cho các mô hình trồng cây ăn quả
Xác định cây ăn quả là cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với địa hình vùng trung du miền núi, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích người dân trồng nhiều loại cây ăn quả, dần hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Để thực hiện mục tiêu này, trong 4 năm (từ 2016-2020) từ nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư gần 7 tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước là trên 4,6 tỷ đồng, còn lại là của nhân dân đối ứng) để hỗ trợ nhân dân mua cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật.
Theo đó, 4 năm qua, huyện đã triển khai 18 dự án, mô hình trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 209 ha, cụ thể như: Dự án “Phát triển diện tích trồng bưởi tại xã Văn Hán”, với quy mô 85ha; mô hình trồng trám ghép, quy mô 6ha tại xã Hóa Trung; mô hình trồng hồng xiêm xoài, 3 ha tại xã Quang Sơn, Minh Lập; mô hình trồng đào lấy quả, quy mô 5ha tại xã Tân Long; mô hình trồng hồng giòn, quy mô 5ha tại xã Văn Lăng... Qua kiểm tra đánh giá, các cây trồng đã và đang cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Sông Công lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Theo quy hoạch và định hướng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất tập trung, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn, thành phố Sông Công tập trung vào 4 sản phẩm trồng trọt và 2 sản phẩm chăn nuôi gồm: Sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn quả, cây rau, hoa sử dụng công nghệ cao, chè VietGAP; Quy hoạch vùng chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tập trung; nuôi cá lồng tại hồ Ghềnh Chè.
Trong đó, thành phố cần ưu tiên phát triển cây chè với quy mô 650 đến 700ha ở xã Bình Sơn và Bá Xuyên theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái cộng đồng; tiếp tục phát triển vùng trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi thủy sản đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến môi trường; trồng rừng gỗ lớn.
Võ Nhai phát triển từ 1 đến 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Ngày 11-3, huyện Võ Nhai đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.
Theo đó, huyện định hướng xây dựng một số vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô 300-500ha, tại các xã: Dân Tiến, Phú Thượng, La Hiên, Cúc Đường, Phương Giao; vùng sản xuất chè tập trung với quy mô 600-1.000ha tại các xã: Tràng Xá, Liên Minh; vùng sản xuất rau, quả với quy mô từ 1.000-1.500ha tại các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến; vùng sản xuất cây dược liệu tập trung dưới tán rừng với quy mô 500-1.000ha tại 6 xã phía Bắc của huyện; vùng trồng cây gỗ lớn với quy mô 4.000-5.000ha tại 6 xã phía Bắc của huyện;
Vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung tại 6 xã phía Bắc của huyện.
Phú Bình: Mở rộng nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học
Theo số liệu thống kê, huyện Phú Bình là địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lớn nhất trong toàn tỉnh với trên 120 trang trại chăn nuôi gia cầm, 70 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hầu hết các trang trại, gia trại đều sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Mặc dù hiệu qủa kinh tinh tế cao nhưng môi trường dễ bị ô nhiễm, do chưa có cách xử lý các chất thải trong chăn nuôi triệt để. Đặc biệt, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang còn bất cập, tình trạng gà nhiễm chất cấm, tồn đọng kháng sinh vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Từ cuối quý II/2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên" giai đoạn 2018 – 2020.
Dự án đã xây dựng các mô hình bao gồm mô hình chăn nuôi gà sinh sản với quy mô 4.000 gà mái sinh sản giống Lương Phượng và 400 gà trống Ri được triển khai trên 2 hộ, đó là hộ ông Nguyễn Văn Tuyên ở xóm Cà và hộ ông Nguyễn Văn Trọng xóm Đồng Bầu; số gà ban đầu được cấp cho mỗi hộ để nhân giống là 2.000 gà mái và 200 gà trống đảm bảo chăn nuôi sinh sản ra 50.000 con gà Ri lai thực hiện dự án.
Hiện, đã có 09 hộ trong vùng triển khai dự án nắm vững kỹ thuật, xây dựng được mô hình chăn nuôi và chủ động được phương pháp chế biến thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. So với gà nuôi bình thường tỷ lệ thịt đạt cao hơn, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thú y.
Coi trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên khẳng định: Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản không chỉ gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng nông sản trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đang là hướng đi ưu tiên của tỉnh trong thời gian tới.
Việc xác định được tiềm năng, lợi thế vùng miền kết hơp với xu hướng tiêu dùng của thị trường sẽ là chìa khóa để các sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên phát triển vững chắc. Đề sản xuất nông nghiệp ngày thêm hiệu quả và bền vững, vấn đề chế biến cũng cần được tỉnh quan tâm mạnh hơn, tránh được tình trạng được mùa mất giá như nhiêu nông sản mà các địa phương khác từng gặp.
Theo Đình Hợi (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã