Gạo nếp Vải Phú Lương là một loại đặc sản của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, có hương thơm, vị ngậy, đậm, chất gạo dẻo, nếu ai đã thưởng thức một lần đều không thể nào quên.
Loại gạo đặc sản này được gieo cấy tập trung tại 5 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch của huyện Phú Lương, Thái Nguyên với diện tích ổn định trên 100ha và cho năng suất trung bình khoảng 48 tạ/ha.
Để phát triển và đưa thương hiệu gạo nếp Vải Phú Lương vươn xa trên thị trường, vừa qua, tại xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, Hội Nông dân xã Phủ Lý đã tổ chức ra mắt Tổ hợp tác sản xuất nếp vải xã Phủ Lý.
Tổ hợp tác được thành lập với 10 thành viên tham gia nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, chế biến lúa nếp vải, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ đăng ký sử dụng nhãn hiệu "Gạo nếp vải Phú Lương", tham gia các mô hình sản xuất lúa nếp Vải theo quy trình VietGAP, hữu cơ, từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết, năm 2020, toàn huyện Phú Lương gieo cấy được trên 100ha lúa nếp Vải theo mô hình sản xuất lúa nếp Vải tập trung tại 5 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao mà giống lúa này đem lại, ngoài diện tích lúa thực hiện trong mô hình, năm nay, người dân tại nhiều xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện cũng bắt đầu đưa giống lúa này vào trồng thử với diện tích từ vài sào đến 1ha.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Phú Lương, năm nay, lúa nếp Vải phát triển khá tốt, năng suất ước đạt trung bình khoảng 48 tạ/ha.
Không chỉ năng suất tăng, giá gạo nếp Vải bán ra năm nay cũng được dự báo tăng hơn so với năm ngoái. Hiện 1kg gạo nếp Vải bán ra đạt giá trung bình trên 25.000 đồng/kg, 1ha lúa nếp Vải đạt giá trị gần 90 triệu đồng, cao hơn nhiều so với một số giống lúa khác thường gieo cấy trong vụ mùa trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm lúa nếp Vải lại rất thuận lợi. Từ năm 2018 đến nay, người dân có thể bán cho một số cá nhân thu mua trong xã, những cửa hàng trong và ngoài huyện hoặc bán thóc tươi ngay tại ruộng cho thương lái đến từ các tỉnh.
Huyện Phú Lương đã tập trung chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, cán bộ Hội Nông dân các xã hướng dẫn người dân chuẩn bị đất, phân bón, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phù hợp, hiệu quả, hướng dẫn bà con chăm sóc lúa.
Bên cạnh việc chú trọng mở rộng diện tích gieo cấy và nâng cao chất lượng lúa nếp Vải, thời gian qua, huyện Phú Lương cũng chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa nếp Vải; tích cực quảng bá nhãn hiệu gạo nếp Vải Phú Lương tại các chương trình, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường.
Phòng NN&PTNN huyện Phú Lương cũng tiến hành cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Gạo nếp Vải Phú Lương" cho những cá nhân có nhu cầu để từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương.
Thời gian tới, huyện Phú Lương cũng sẽ tiếp tục quảng bá nhãn hiệu "Gạo nếp Vải Phú Lương" kết hợp vận động người dân tham gia mô hình sản xuất lúa nếp Vải tập trung, từ đó từng bước hình thành vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.
Theo Hà Thành/danviet.vn
https://etime.danviet.vn/thai-nguyen-xay-dung-chuoi-lien-ket-va-tieu-thu-san-pham-nep-vai-phu-luong-20210309095841481.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã