Bộ NN&PTNT đang rà soát nội dung hợp tác với các đối tác của 8 ngành hàng trọng điểm để có kế hoạch thực hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Nhóm Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam được thành lập trên cơ sở sáng kiến và cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Sau hơn 10 năm hoạt động, đã có 8 nhóm công tác hợp tác công – tư (PPP) được thành lập trong các ngành hàng như cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, gạo, hóa chất nông nghiệp, chăn nuôi.
Thông qua các dự án, các nhóm công tác đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn canh tác bền vững thân thiện môi trường và tăng thu nhập cho nông dân như: Mô hình sản xuất cà phê của Nestlé; sản xuất chè của Tập đoàn Unilever; một số chuỗi giá trị liên kết bền vững về sản xuất và chế biến khoai tây, gạo, chè và hồ tiêu... Qua đó, gần 2 triệu lượt nông dân cũng đã được đào tạo về phương thức canh tác bền vững.
Mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% trong năm 2020. Trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề vừa qua, nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng 2,74% và giữ được vai trò quan trọng trong điều kiện “bình thường mới” cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp đang phải "đương đầu" với một số thách thức lớn như: Khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ còn hạn chế; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong nông nghiệp. Vì vậy, đây là cơ sở để Bộ NN&PTNT dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay.
Các ý kiến tại hội nghị đề xuất song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp thời gian tới cần phát triển tích hợp đa giá trị của sản phẩm cả về kinh tế, xã hội, văn hóa bản địa, cảnh quan, môi trường. Ngành nông nghiệp cũng xác định cần tạo ra nhiều giá trị mới cho sản phẩm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.
Ông Reginald Lee, Giám đốc Chương trình Diễn đàn Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam và cho biết: Chương trình tiếp tục hỗ trợ đổi mới đối với việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh của Việt nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định những kinh nghiệm hợp tác thời gian qua về thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư, vì một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện môi trường của các đối tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đưa Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm hàng đầu tại khu vực.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn các đối tác tiếp tục chung tay trong việc đảm bảo an ninh lương thực khu vực và toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp với các hình thái thiên tai khó lường.
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thu-hut-dau-tu-doi-moi-sang-tao-huong-toi-mot-nen-nong-nghiep-xanh/449028.vgp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã