Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu tốt nhờ sắp vào dịp Tết và Noel. Đây là dịp mà hàng năm các thị trường đều sôi động để chuẩn bị hàng hóa. Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi các cung ứng để sản xuất đảm bảo được các chỉ tiêu về sản lượng và xuất khẩu. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động được 70% công suất.
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành khai thác thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân; đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản. Chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị đứt gãy, gián đoạn vận chuyển, tiêu thụ khó khăn và giá thủy sản giảm. Trong khi đó, cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác trong 3 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác với khoảng 186.000 tấn.
Nhiều cảng cá phải đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch COVID-19. Đến ngày 16/10, vẫn còn 4 cảng cá vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách/tạm dừng hoạt động để phòng chống COVID-19 ở các tỉnh: Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện, số lượng người làm việc tại cảng cá đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 ước đạt 50%.
Bên cạnh đó, năm 2021 là một năm ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây; trong đó, giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Lao động làm việc trên tàu cá sẽ tiếp tục bị thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương trọng điểm nghề cá như Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang...
Nắm bắt nhu cầu
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hùng, điều kiện sản xuất khai thác thủy sản có nhiều thuận lợi. Thời tiết khá thuận lợi, đã chuyển sang vụ cá Bắc, khả năng có bão lớn xảy ra vào các tháng cuối năm rất thấp. Các nghề khai thác cá đáy có sản lượng lớn chiếm ưu thế, đặc biệt là khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa và Nam Trung Bộ vào chính vụ, khai thác cá nổi nhỏ ở Nam Vịnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác các dịp lễ, Tết cuối năm tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, ngành thủy sản phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo đó, các địa phương, đơn vị cần áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa để các cảng cá và các cơ sở sơ chế, chế biến xuất khẩu thủy sản hoạt động bình thường.
Là địa phương vẫn còn có cảng cá Phan Thiết phải đóng cửa do dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận cho biết Sở đã thành lập Tổ kiểm soát cơ động phòng chống dịch COVID-19 trong khu vực cảng để tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát.
Sở cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết cho 12 doanh nghiệp/cơ sở thu mua, chế biến, dịch vụ thủy sản hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" tại cảng trong thời gian cảng tạm ngừng hoạt động. Sở cũng chỉ đạo Ban quản lý cảng cá xây dựng phương án tiếp nhận, bốc dỡ hải sản từ tàu cá cập cảng trong thời gian cảng cá Phan Thiết tạm dừng hoạt động.
Trên cơ sở quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, Sở cũng ban hành hướng dẫn đối với hoạt động tàu cá và hoạt động cập cảng, bốc dỡ sản phẩm.
Theo đó, các tàu cá, cảng cá trong tỉnh cơ bản được hoạt động khai thác thủy sản ở tất cả các cấp độ dịch, chỉ hạn chế đối với tàu cá ngoài tỉnh khi dịch bệnh ở cấp độ 4. Các hoạt động sản xuất, lưu thông, cung ứng sản phẩm được ưu tiên hoạt động ở các cấp độ dịch.
Các địa phương đều cho rằng qua dịch COVID-19 cho thấy hệ thống kho lạnh cho sản phẩm khai thác vẫn còn yếu và thiếu. Nhiều địa phương đề nghị cần có nguồn đầu tư và đầu tư theo đối tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng, kho lạnh.
"Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thì mới thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trong khai thác thủy sản. Nếu đầu tư cảng cá để kinh doanh thì rất khó thu hồi vốn. Chỉ có thể từ nguồn vốn ngân sách cộng với sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp thì quản lý mới hiệu quả," ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết.
Ông Lê Văn Sử cũng kiến nghị cần có hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nọ, không yêu cầu trả các khoản nợ vay đến hạn trong 4 tháng tới. Phục hồi sản xuất cần tập trung các biện pháp kiểm soát dịch an toàn, linh hoạt và để đạt được hiệu quả cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện năng lực hạ tầng thủy sản của mỗi một nơi. Đây cũng là cơ hội để Cà Mau và các địa phương sàng lọc, sắp xếp lại nguồn lao động phù hợp cho khai thác thủy sản cho nuôi trồng, chế biến.
Tích cực tháo gỡ thẻ vàng IUU
Đến cuối năm 2021 chấm dứt tình trạng vi phạm trong khai thác hải sản và gỡ được thẻ vàng IUU trong năm 2022 là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản thông tin trong những năm qua, thủy sản Việt Nam đã phát triển thành ngành công nghiệp chế biến với giá trị xuất khẩu lên tới gần 9 tỷ USD.
Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trên thị trường thủy sản toàn cầu và ưu tiên phát triển ngành thủy sản bền vững, nâng cao đời sống người dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.
Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác nguồn lợi thủy hải sản còn nhiều hạn chế và phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá. Do đó ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo báo và không tuân thủ quy định (IUU).
Từ thời điểm bị cảnh báo thẻ vàng IUU, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ đã triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác thác IUU, tập trung vào các hoạt động đề xuất góp ý các văn bản quy phạm pháp lý của Chính phủ và hợp tác với các bên, quan hệ quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản.
Thế nhưng cho đến nay, vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khi khai thác và cần phải nhanh chóng giải quyết nếu không EC sẽ không gỡ thẻ vàng IUU, thậm chí có thể tăng lên thẻ đỏ.
Giữ vững thị trường trọng điểm
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, EU là đối tác thương mại quan trọng cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, có vai trò định hướng, mở đường cho thủy sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Trong 20 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU đã tăng trưởng mạnh từ 90 triệu USD năm 1999, lên 1,5 tỷ USD vào năm 2017 nhưng từ khi "dính" thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu ngày càng sụt giảm.
Ngành khai thác hải sản Việt Nam chủ yếu tổ chức ở quy mô nhỏ, hầu hết tàu các có công suất nhỏ, ngư dân hoạt động riêng lẻ, đánh bắt ven bờ, năng suất thấp, khai thác đa loài. Vấn đề hiện nay là vẫn còn ngư dân chưa nghiêm túc thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kiểm tra tàu cá ra, vào cảng chưa chặt chẽ, thông tin khai báo thiếu tin cậy liên quan trực tiếp đến quy định khai thác hợp pháp, có khai báo và tuân thủ quy định của EC. Đây cũng là mối đe dọa đối với mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm trong chiến lược phát triển ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trong 4 năm qua, Chính phủ, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã nỗ lực cải thiện theo các khuyến nghị của EC nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ bỏ thẻ vàng IUU và kéo theo nhiều hệ lụy khác nếu không sớm gỡ được thẻ vàng.
Trong trường hợp bị áp thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị “cấm cửa” vào thị trường EU, ước tính ngành khai thác thủy sản sẽ mất khoảng 387 triệu USD/năm và tác động tiêu cực sang cả thủy sản nuôi trồng như: giảm mức độ uy tín, áp lực kiểm tra hải quan tăng lên...
Đồng thời, nếu xuất khẩu sang EU gián đoạn trong 2-3 năm, quy mô ngày khai thác thủy sản Việt Nam bị thu hẹp khoảng 30%, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhiều người dân vùng biển.
Thông tin về kế hoạch chống khai thác IUU trong giai đoạn 2021-2022 của các doanh nghiệp hải sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết Ban điều hành IUU VASEP sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động mang lại kết quả trong 4 năm qua, cải thiện các hoạt động còn hạn chế, đồng hành với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nỗ lực gỡ thẻ vàng.
Mặt khác, VASEP thực hiện hỗ trợ rà soát việc triển khai của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các quy định IUU khi xuất khẩu sang EU và Mỹ; tiếp tục báo cáo online một số hình thức, bằng chứng việc duy trì thực hiện cam kết mà chương trình đã đề ra; duy trì sự phối hợp giữa các bên trong xác nhận, chứng nhận an toàn vệ sinh trên tàu cá.
Thượng tá Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng phòng an ninh hàng hải, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cho rằng việc giám sát của các đơn vị dù sát sao đến đâu cũng chỉ giải quyết đươc phần ngọn của vấn đề khai thác IUU.
Để khắc phục được thẻ vàng IUU, phải giải quyết các tồn tại, vi phạm từ gốc, nghĩa là phải nâng cao nhận thức của người trực tiếp khai thác, có giải pháp gia tăng lợi ích kinh tế cho người chấp hành quy định so với những người khai thác không tuân thủ để tạo động lực thay đổi một cách tự giác, bền vững.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, từ nay đến cuối năm sản xuất và xuất khẩu thủy sản phục hồi chậm và tiếp tục khó khăn bởi ngành còn bị thiếu nguyên liệu, lao động; trong khi chi phí đầu vào, nhân công, vận tải, phòng dịch... đều tăng.
Các tỉnh có ngành thủy sản trọng điểm, tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine rất thấp. Trong khi đó, đây lại là điều kiện để mở cửa thị trường, giảm chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp. Do đó, các địa phương cần ưu tiên tăng tỷ lệ phủ vaccine cho người lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản.
Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sản xuất nhưng theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần thực hiện hiệu quả và thực tế các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động để họ yên tâm quay lại sản xuất như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn, hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ về điều kiện cho vay mới, hạ lãi suất tiền vay, giãn nợ; có cơ chế bình ổn giá, chi phí đầu vào sản xuất; các địa phương tạo điều kiện để phục hồi và ổn định nguồn nguyên liệu từ khai thác và nhập khẩu để gia tăng sản xuất và xuất khẩu.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự quan tâm sát sao, mong rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng được phục hồi sản xuất phía trước," ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.
Dự báo xuất khẩu thủy sản năm nay chỉ đạt 8,4 tỷ USD Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm nay, dư địa xuất khẩu thủy sản lớn, nhưng ngành thủy sản gặp phải khó khăn do dịch COVID-19 trong 3 tháng qua quá lớn nên khả năng phục hồi chậm. Hiệp hội dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,4 tỷ USD, tương đương năm 2020. Giá trị tôm xuất khẩu khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 3%; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, bằng năm 2020; hải sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 3%. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã