Học tập đạo đức HCM

Tin NN: Nỗ lực đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản

Thứ sáu - 15/01/2021 09:25
Bước sang năm mới, năm 2021, trong bối cảnh tiếp tục chịu ảnh hưởng do yếu tố dịch bệnh, thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cũng bị gián đoạn, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
xuat20khau20tom-16102500681511788743117.jpg

 Năm 2021 xuất khẩu tôm có thể tăng 15%.

“Cú hích” cho xuất khẩu tôm năm 2021

Năm 2021, xuất khẩu tôm có thể tăng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD nhờ các lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do...

Ngay những ngày đầu tiên của năm 2021, ngành nông nghiệp cùng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu đã bắt tay vào công việc, đáp ứng yêu cầu của hàng loạt đơn hàng từ các thị trường khó tính. Thành công trong xuất khẩu mặt hàng tôm năm 2020 thực sự là "cú hích", tạo đà cho các doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng sản lượng, giá trị trong năm 2021. Vậy do đâu, trong lúc nhiều đối thủ cạnh tranh của chúng ta không có được tăng trưởng thì Việt Nam lại có được những thành công nhất định?

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho rằng, Việt Nam đang có các thuận lợi về thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… và thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Chia sẻ về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - cho biết, việc thành công trong kiểm soát dịch Covid 19 của Việt Nam là một cơ hội tốt cho ngành tôm. Trong năm 2020, Minh Phú đã xuất khẩu được 55 ngàn tấn tôm thành phẩm, với kim ngạch đạt 580 triệu USD. Mục tiêu năm 2021 là 71 ngàn tấn tôm, kim ngạch 790 triệu USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam. Nhu cầu thế giới vẫn ổn định trong khi các nước xuất khẩu khác chưa kịp phục hồi. Trung Quốc là nguồn cung tôm lớn nhất châu Á, tuy nhiên vẫn đang thiếu hụt nguồn tôm cho chế biến và tiêu dùng.

Cùng với đó, thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ đối với tôm đang ở mức thấp; lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Việt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới...

Trong bối cảnh hiện tại, VASEP đưa ra dự báo, xuất khẩu tôm năm nay tăng khoảng 15% so với năm 2020, vượt mốc 4 tỷ USD.

Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam cho rằng, dịch Covid 19 khiến chuỗi cung ứng trong ngành tôm bị đứt gãy, từ hoạt động trong các nhà máy đến các hoạt động nuôi trồng. Với điều kiện này, chúng ta rất có thể đạt được các mục tiêu đề ra là xuất khẩu tôm đạt giá trị 4 tỷ USD.

Ở góc độ chuyên môn, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: ngành khuyến khích các mô hình nuôi đạt hiệu quả, ít rủi ro , truy suất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh. Trong năm 2021, tùy điều kiện thực tế, bà con có thể áp dụng các hình thái phù hợp để bảo đảm sản xuất thành công.

Trong bối cảnh các nguồn cung của đối thủ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình được dự báo chưa thể khả quan hơn cho tới hết quý I/2021, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm của Việt Nam nếu đảm bảo tốt khâu nuôi trồng, chế biến thì sẽ tiếp tục đạt được các mốc tăng trưởng trong năm 2021. Vắc xin phòng Covid-19 ra đời cùng với lợi thế từ các FTA đang được các doanh nghiệp tận dụng sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm năm 2021.

Để đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, các đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện và thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Triển vọng xuất khẩu chè năm 2021

che_1554876253.jpg
Chế biến chè phục vụ xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) cho hay, nhập khẩu chè của Maroc trong nửa đầu năm 2020 đạt 38,19 nghìn tấn, trị giá 109,55 triệu USD. Trung Quốc là thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Maroc. Theo cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Maroc, người Maroc rất chú trọng đến hình thức của chè. Theo đánh giá của khách hàng Maroc, chè Việt Nam có chất lượng tốt nhưng chưa cạnh tranh về giá cả và hình thức trình bày sản phẩm. Với nhu cầu tiêu thụ lớn, Maroc là thị trường rất tiềm năng cho các thị trường xuất khẩu chè, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 8 cho Nhật Bản, lượng và trị giá chè nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,9% tổng lượng chè nhập khẩu của Nhật Bản trong 11 tháng năm 2020, giảm từ mức 1,2% trong 11 tháng năm 2019.

Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu là chủng loại chè đen, trong 11 tháng năm 2020 đạt 22 nghìn tấn, trị giá 13,15 tỷ Yên (tương đương 127 triệu USD), giảm 11% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc là thị trường cung cấp nhiều nhất chủng loại chè đen cho Nhật Bản trong 11 tháng năm 2020, lượng nhập khẩu từ thị trường này chiếm 35,3% tổng lượng chè đen nhập khẩu. Nhập khẩu chè xanh của Nhật Bản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, trong 11 tháng năm 2020 đạt 3,6 nghìn tấn, trị giá 2,4 tỷ Yên (tương đương 23 triệu USD), giảm 12,4% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc cung cấp chủng loại chè xanh cho Nhật Bản với tỷ trọng chiếm 86,6% tổng lượng chè xanh nhập khẩu. Việt Nam là thị trường cung cấp chè xanh lớn thứ 3 cho Nhật Bản nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 4,9% tổng lượng chè xanh nhập khẩu.

Nhìn chung năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động lên thị trường chè toàn cầu khiến xuất khẩu chè của Việt Nam gặp khó khăn, nhu cầu giảm khiến giá chè nguyên liệu xuất khẩu có xu hướng giảm theo. Về nguồn cung, do kiểm soát dịch tốt, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất chè tại Việt Nam đã trở lại bình thường, giá chè tại thị trường trong nước không bị ảnh hưởng nặng nề.

Thị trường chè trong nước được dự báo sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung tương đối ổn định nhằm phục vụ nhu cầu trong dịp lễ, Tết sắp tới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2021 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, sản lượng chè tại các nước sản xuất chính tăng nhờ thời tiết thuận lợi như Ấn Độ và Kenya, trong khi nhu cầu vẫn chưa được cải thiện. Xu hướng xuất khẩu tiếp tục ảm đạm nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế.

Thời điểm này, các hộ trồng chè cũng như cơ sở kinh doanh đang đẩy mạnh sản xuất nhằm phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Ngành chăn nuôi gia cầm ảm đạm

Trong khi giá lợn hơi trên thị trường cứ tăng liên tục thì giá các sản phẩm gia cầm lại rất ảm đạm.

"Đối với ngành chăn nuôi, doanh nghiệp nào có tiềm lực kinh tế mạnh, áp dụng công nghệ tiến tiến và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học sẽ không lo lắng về đầu ra sản phẩm. Còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ yếu về vốn lẫn công nghệ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến thu nhập của bà con.

photo1610380163027-1610380163252248512289.jpg
Giá các sản phẩm gia cầm lại rất ảm đạm.

Đó là các vấn đề nổi cộm nhất đối với ngành chăn nuôi heo hiện nay, còn đối với chăn nuôi gia cầm tình hình đã xấu đi trên một năm nay và dự đoán tình hình vẫn tiếp tục xấu trong thời gian tới", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định.

Nếu nhập khẩu thịt heo, thịt bò đáp ứng phần nào thiếu hụt nhu cầu trong nước, góp phần ổn định thị trường thì nhập khẩu thịt gà đã và đang tạo áp lực lên ngành này. Trong năm 2020, giá gà có lúc giảm còn 13.000 - 14.000 đồng/kg, thấp so với giá thành nên người nuôi bị lỗ nặng vì người nuôi gà trong nước đang cạnh tranh không lành mạnh với các nước nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, việc thịt nhập khẩu từ nước ngoài sẽ ngày càng nhiều hơn đó là thực tế mà ngành chăn nuôi phải đối mặt, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại yếu thế so với các doanh nghiệp FDI và thịt nhập khẩu nên khó lòng cạnh tranh.

Cả năm 2020, ngành nuôi gà, vịt trong nước chịu thua lỗ nặng nề, riêng con gà trắng theo nhận định của giới chăn nuôi là sẽ không bao giờ bán được giá cao như trước đây nữa. Giá thành sản xuất của con gà trắng trong điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh dao động từ 22.000 - 23000 đồng/kg, nhưng nhiều lúc giảm xưống còn 13.000 - 14.000 đồng/kg và tính trung bình hàng tháng không tháng nào vượt quá giá thành sản xuất.

"Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam xuất khẩu đi các nước 1 triệu con gà/tuần, và trong tổng đàn gia cầm của họ chỉ có khoảng 20% đến 30% đủ chuẩn xuất khẩu, phần không đạt chuẩn sẽ được tung ra thị trường trong nước. Như vậy, công ty C.P sẽ tung ra thị trường từ 700.000 - 800.000 con gà/tuần, đó là chưa kể trong 1 triệu con gà này C.P chỉ xuất khẩu phần thịt ức và thịt đùi, các phần như đầu, cổ, cánh, lòng mề... tiêu thụ trong nước với giá rất rẻ.

Theo định hướng phát triển của công ty CP thì tổng đàn gà của công ty sẽ chiếm khoảng 20% thị phần trong nước, chỉ với công ty C.P thôi đã thấy tương lai đầu ra sản phẩm gia cầm nội địa sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Đoán cho biết.

Từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới đã có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành chăn nuôi trong nước, đến từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan ... Những doanh nghiệp này có tiềm lực kinh tế mạnh được đầu tư rất bài bản, tiên tiến và hiện đại, nên có năng suất cao, giá thành cạnh tranh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi trong nước yếu về vốn, thiếu về công nghệ, nên sản phẩm có giá thành cao, khó cạnh tranh và dẫn đến thua thiệt.

 Theo Thanh Tâm  (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-no-luc-day-manh-san-xuat-va-xuat-khau-hang-nong-san-post40068.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay33,816
  • Tháng hiện tại1,109,656
  • Tổng lượt truy cập91,173,049
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây