Trong khi những hộ chăn khác ở địa phương mấy năm qua phải ngừng chăn nuôi do nhiều loại dịch bệnh thì anh Vi Văn Phồn ở bản Cắm xã Căm Muộn (Quế Phong, Nghệ An) vẫn tằng tằng thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi dúi (chuột rừng).
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Vi Văn Phồn đã quyết định ở lại bản làng để làm kinh tế. Ban đầu anh nuôi lợn, gà, bò, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí vụ đầu tư nuôi lợn đen bản địa thả rông còn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, phải tiêu hủy toàn bộ làm anh đau xót vô cùng.
Năm 2018, thấy bà con trong bản đi rẫy bắt được rất nhiều chuột rừng (người xuôi gọi là con dúi), anh thấy thích và xin được mua lại về nuôi. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, nhiều con bị thương, yếu dần và chết. Không nản lòng, anh mày mò học hỏi thêm trong sách, báo để chăm sóc dúi tốt hơn.
Chuồng nuôi dúi của anh Phồn chia từng ô vuông diện tích 50 x 50cm bằng gạch men, tổng diện tích 120 m2. "Nhiệt độ để dúi thích nghi là 25 - 32 độ C, che chắn chuồng trại ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè sẽ giúp dúi sinh sản đều, lớn nhanh", anh Vi Văn Phồn chia sẻ.
Nói thêm về kinh nghiệm nuôi dúi, anh Phồn cho hay, đây là loài gặm nhấm nên thức ăn chủ yếu là tre, thân mía, ngô… Để đảm bảo nguồn thức ăn, anh tận dụng gần đất vườn nhà trồng thêm mía, ngô và tre mét trong vườn.
Dúi ăn khá ít, chỉ cần cho dúi ăn một lần vào chiều tối, không nên cho ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ. Mỗi ngày, một con chỉ ăn chưa đến 100 gram thức ăn. Mỗi người có thể nuôi đến 1.000 con. Dúi thương phẩm thịt hiện nay rất dễ bán, có bao nhiêu thương lái mua bấy nhiêu, giá bán cũng rất cao, thường giao động từ 400 - 550 ngàn đồng/kg.
Dúi không cần uống nước nên khá sạch sẽ. Là con vật hoang dã nên rất khỏe, ít dịch bệnh, song lại dễ mắc bệnh đường ruột, đường hô hấp… Vì vậy, cần lựa chọn đúng thức ăn, không bị ôi thiu, vệ sinh chuồng trại thường xuyên và phun thuốc khử trùng 1 tuần/lần.
Thấy anh Phồn nuôi dúi mang lại thu nhập cao, anh Lữ Văn Luận ở cùng bản Cắm, xã Cắm Muộn sau khi tốt nghiệp đại học, cũng quyết định ở lại trong bản xây chồng nuôi dúi. Mới nuôi được 1 năm, anh Luận đã xuất giống 3 lần, mang lại thu nhập 70 triệu đồng.
Anh Lô Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết, anh đã xem anh Phồn, anh Luận ở trong xã nuôi dúi, và thấy khá dễ. Thức ăn cho dúi rất phong phú, rẻ, tự trồng được, nuôi dúi thịt thì 8 tháng là xuất được, giá bán cũng rất cao, tới 400 đồng/kg nên thu nhập cao hơn nuôi con khác. Vì vậy đây là gợi mở khá hay cho phát triển chăn nuôi ở địa phương.
Không chỉ phát triển kinh tế cho mình, anh Phồn luôn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho nhiều bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp ở địa phương. Với những người có ý định mua dúi về nuôi, anh khuyên nên trực tiếp đến trang trại xuất bán giống dúi để xem và quyết định chọn nơi mua con giống, tránh trường hợp mua dúi rừng chưa qua thuần chủng.
Theo Sầm Thanh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/tinh-co-nuoi-dui-tui-rung-rinh-tien-d301769.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã