Đợt mưa lũ và bão gió lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Phú Yên. Hàng chục nghìn ha cây màu, cùng diện tích nuôi trồng thủy sản và hàng trăm nghìn con gia súc gia cầm đã bị mưa lũ cuốn trôi, gây ảnh hưởng nặng nề tới sinh kế của hạng triệu người dân miền Trung.
Theo thống kê, thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung trong thời gian qua lên đến 37.000 tỷ đồng.
Làm gì để phát triển nông nghiệp miền Trung theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là những vấn đề cần được giải đáp trong giai đoạn hiện nay. Trên tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Tái cơ cấu nông nghiệp miền Trung sau bão lũ- Phát triển nông nghiệp miền Trung theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu".
Đến dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi; ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ngoài ra buổi tọa đàm còn có sự tham dự của một số cơ quan báo chí.
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết thêm: "Đợt mưa lũ và bão lịch sử xảy ra ở miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nặng nề nhất là các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên".
Thiệt hại lớn nhất phải kể tới một số địa phương ở Quảng Trị, Hà Tĩnh… với rất nhiều diện tích rau màu gần như bị mất trắng; diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng gần 7.000ha, trong đó lớn nhất là cây thanh trà ở Huế bị thiệt hại tới hơn 500ha.
Ngoài thiệt hại về diện tích cây trồng, theo thống kê mưa lũ còn làm trên 2.600ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp ở các mức độ khác nhau, riêng Quảng Trị có tới 1.700ha bị vùi lấp. Có điều may mắn cho sản xuất trồng trọt là hầu hết diện tích lúa bà con đã cơ bản thu hoạch xong, nhưng nhiều diện tích chuẩn bị cho vụ đông xuân tới thì có thể nói gần như mất trắng.
"Điều này không chỉ gây khó khăn cho phục hồi sản xuất mà còn ảnh hưởng đến nguồn kinh phí mua giống phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con trong vụ thu đông và vụ đông xuân tới đây" - ông Cường nói.
Với tình hình thiệt hại rất lớn như thế, ngoài phần hỗ trợ của Trung ương, Bộ NNPTNT cũng đề nghị các tỉnh từ nguồn vốn của mình nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân, rồi bản thân các hộ nông dân cũng cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực khôi phục sản xuất, trước mắt là sản xuất các loại cây ngắn ngày, rau củ để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Về câu hỏi của bạn đọc trong thời gian tới, người dân miền Trung cần những giống cây trồng nào để tăng cường sinh kế, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt:
Trước mắt, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, chúng ta đã hỗ trợ được rất nhiều nhu yếu phẩm (tiền, gạo, thực phẩm,…) cho người dân trong vùng lũ. Tuy nhiên một trong những nhu cầu sinh kế cấp thiết, đảm bảo nhu cầu trước mắt cho người dân đó là tích cực hỗ trợ người dân các cây rau màu ngắn ngày, song song đó là phát triển cây vụ đông. Tiếp tục, hỗ trợ người dân sản xuất vụ đông xuân (cuối tháng 12- đầu tháng 1/2021).
Trong đó, có những nhiệm vụ trọng tâm:
1. Hỗ trợ người dân sản xuất các loại rau màu ngắn ngày để người dân có nguồn rau xanh cung cấp tại chỗ, phục vụ thị trường tại chỗ.
2. Có kế hoạch đảm bảo xa hơn, có đủ lượng rau cung cấp đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán. Bộ NNPTNT, trong phạm vi của mình đã xuất cấp gần như ngay lập tức 20 tấn ngô ngắn ngày và khoảng 16 tấn rau các loại để phục vụ cho người dân. Bộ cũng đề nghị người dân bằng các nguồn lực sẵn có, bản thân các tỉnh chủ động nguồn kinh phí để mua giống khôi phục sản xuất sớm.
3. Sản xuất vụ đông xuân cận kề, Bộ NNPTNT căn cứ vào văn bản yêu cầu của các tỉnh và lượng giống dự trữ, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ tối đa lượng giống trong khả năng của mình. Bộ hỗ trợ nhanh nhất, nhiều nhất, tốt nhất phục vụ đúng nhu cầu của địa phương.
Song song với đó, Bộ NNPTNT cũng có văn bản trình Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ các địa phương một lượng giống tối đa, với khả năng của mình làm sao hỗ trợ nhanh nhất, đúng nhất, phù hợp với yêu cầu cấp bách của nông dân các địa phương chứ không phải hỗ trợ lấy số lượng, lấy thành tích.
"Quán triệt tinh thần hỗ trợ phải đảm bảo cơ cấu mùa vụ của địa phương" - ông Nguyễn Như Cường nói".
Đối với những cây giống không có trong danh mục hỗ trợ, ông Cường cho biết các địa phương có thể linh động hỗ trợ tiền để bà con mua giống kịp thời, đi kèm với giới thiệu địa chỉ cung cấp giống đảm bảo uy tín, chất lượng.
Nói về điều này, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Ngay sau khi bão lũ xảy ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã cử đoàn cán bộ cùng với đoàn công tác của Bộ NNPTNT đi kiểm tra, khảo sát tình hình khắc phục sau bão lũ tại các đại phương. Bên cạnh việc phổ biến các giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả thiên tai, chúng tôi rất tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông, cảnh báo nhiều hơn về những bất thuận của thời tiết, những tình huống có thể xảy ra.
"Đặc biệt, chúng tôi đã kích hoạt hệ thống khuyến nông địa phương, tìm hiểu ngay nhu cầu của bà con sau bão lũ để khắc phục sản xuất một cách hiệu quả, sát với nhu cầu thực tiễn.
Theo đó, chúng tôi có một loạt hoạt động cụ thể hơn, đó là tổ chức các lớp đào tạo trực tiếp cho bà con từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…, với khoảng 33 lớp đào tạo cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt. Tại mỗi lớp học, chúng tôi đều mời chuyên gia tư vấn, giúp bà con thoát khỏi những lúng túng sau mưa bão" - ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết thêm, tại các địa phương, lực lượng khuyến nông đã triển khai tập huấn ngay cho bà con định hướng, giải pháp khắc phục trồng trọt, chăn nuôi sau mưa bão, hướng dẫn kỹ thuật chi tiết các công việc cải tạo đất đai, cây trồng.
"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nhanh chóng xây dựng và in ấn 3 tờ hướng dẫn cách khắc phục để phát đến tận tay bà con. Trong đó tập trung vào cây có múi; cây hồ tiêu; giải pháp khắc phục sản xuất ở những diện tích bị bồi lấp" - ông Thanh nói.
Cụ thể, với những diện tích trồng cây thanh trà tại Thừa Thiên Huế, có những vườn bị thiệt hại khác nhau thì cách khắc phục phải khác nhau, có vườn phải trồng lại, có vườn duy trì cắt tỉa, sử dụng chế phẩm sinh học.
Về cây hồ tiêu ở Quảng Trị, tuy không bị bị ngập nhưng mưa kéo dài nên gây hiện tượng vàng lá, thối rế, ngay lập tức các chuyên gia và đội ngũ khuyến nông tổ chức tọa đàm tại chỗ hướng dẫn bà con giải pháp khắc phục.
Thứ 3, hiện nay có hơn 2.000ha đất sản xuất bị bồi lắng, có nơi bị bồi lấp 5-10cm, có nơi cả mét, có nơi bị bồi cát, nơi thì bị bồi đất sét, sỏi đá… Chúng tôi dã phối hợp Viện KHNN VN tìm hướng xử lý phù hợp từng vùng bị thiệt hại. Không thể có quy trình canh tác bình thường mà phải có giải pháp khắc phục cụ thể.
"Hiện nay, Trung tâm đang trình lên Bộ NNPTNT các giải pháp mang tính chất tạm thời, song điều quan trọng hơn là chúng ta phải tìm giải pháp làm thế nào để tái cơ cấu cho những vùng lũ đó. Bởi đó là những vùng năm nào cũng có mưa lũ, năm nào bà con cũng bị thiệt hại" - ông Thanh nhấn mạnh.
Trước câu hỏi "Sau đợt bão lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung, Bộ NNPTNT có đánh giá cụ thể như thế nào về các thiệt hại trong lĩnh vực chăn nuôi ở khu vực miền Trung, đồng thời ngành chức năng của Bộ khuyến cáo như thế nào đến các trang trại chăn nuôi để giảm thiểu thiệt hại?" - ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi bày tỏ sự chia sẻ với những mất mát của bà con miền Trung trong những ngày bão lũ lịch sử vừa qua. Đặc biệt là các khu chăn nuôi nông hộ, các trang trại chăn nuôi gia cầm.
Tuy nhiên, ở phương diện toàn ngành, việc thiệt hại ở các tỉnh miền Trung không quá nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp. Đơn cử như thiệt hại ở miền trung đối với đàn gia cầm chỉ mất 0.69%, tuy nhiên đối với bà con ở miền Trung chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi nên khi có thiên tại đã bị thiệt hại nặng nề.
Sau khi có thiên tai xảy ra, chúng ta đã kịp thời xử lý và hỗ trợ ngay. Theo đó, các đoàn công tác của Bộ NNNPTNT đã vào tận nơi để khảo sát, phối hợp với địa phương vừa khắc phục thiệt hại vừa khối phục sản xuất. Chính vì thế, nhờ các biện pháp hỗ trợ kịp thời nên chúng ta đã thu được kết quả tích cực.
Việc đầu tiên là thay mới chuồng trại và tái đàn ngay đàn gia súc, gia cầm.
Đối tượng vật nuôi, bà con sẽ được hỗ trợ các vật nuôi chăn nuôi ngay như gia cầm, thủy cầm. Theo đó, Bộ NNPTNT đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống gia cầm 1 ngày tuổi (các con giống này có chất lượng cao được úm, tiêm vắc xin cần thận trước khi cấp cho bà con), họ ít được hỗ trợ 50 con, hộ nhiều được 100 con...
"Riêng với con lợn, do thời gian nuôi dài và đang có dịch tả lợn châu Phi nên chúng tôi cũng khuyến cáo bà con thận trọng, tái đàn có kiểm soát và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Còn về các loại gia súc khác, chúng tôi phối hợp với các tỉnh hỗ trợ bà con bê, bò giống để bà con chăn nuôi hiệu quả" - ông Dương nhấn mạnh.
"Hiện tại, việc hỗ trợ gia cầm của chúng ta đã đạt hiệu quả. Có nhiều hộ đã bán được lứa gia cầm đầu tiên và có thu nhập khá" - ông Dương chia sẻ thêm.
Để hỗ trợ hiệu quả cho bà con miền Trung, chúng tôi đã lên kế hoạch rất cụ thể, sát thực tế. Đến giờ, chúng tôi đã kêu gọi được các doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 16,7 tỷ đồng, 300.000 tấn thức ăn, 1,1 triệu con giống gia cầm... gửi cho bà con và các tỉnh miền Trung vơi bắt khó khăn và dần khôi phục được sản xuất hiệu quả.
Một bạn đọc ở địa chỉ: ...thuhang88... (Hà Nội) có hỏi: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại sau lũ và triển khai các mô hình phù hợp, đến nay hệ thống khuyến nông đã giúp bà con đến đâu? Khu vực miền Trung cũng là nơi có tiềm năng nuôi biển, phát triển kinh tế bền vững nhằm giảm phụ thuộc đánh bắt khai thác tự nhiên, vậy khuyến nông có triển khai các mô hình này để giúp bà con chuyển đổi nghề?
Ông Lê Quốc Thanh cho biết, hiện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vẫn đang thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ NNPTNT, đối với các khu vực miền Trung chúng tôi đã triển khai hỗ trợ nhiều dự án, nhiều chương trình, như khu vực nuôi trồng ven biển ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đều có các dự án khuyến nông hỗ trợ hiệu quả.
Năm nào các tỉnh miền Trung cũng bị tác động nhiều bởi thiên tai nên chúng tôi cũng đã có nhiều ưu tiên tổ chức các lớp đảo tạo, tập huấn cung cấp kiến thức để bà con lựa chọn mô hình nuôi trồng các loại thủy, hải sản phù hợp với khả năng, tiềm lực kinh tế của gia đình theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, trong thời gian xảy ra bão lũ, thiên tai, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo bà con ứng phó hiệu quả, nhất là đối với các hộ nuôi cá lồng, bè, qua đó cũng giúp bà con giảm bớt thiệt hại.
"Cũng phải nói thêm là trong thời gian qua, chúng tôi đã vận động được 2 doanh nghiệp hỗ trợ được 12 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đã hỗ trợ các sản phẩm chế phẩm sinh học để xử lý môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phối hợp với hệ thống khuyến nông tổ chức nhiều lợp tập huấn, đào tạo bà con sử dụng chế phẩm hiệu quả. Với các giải pháp quan trọng và sát thực tế như thế, chúng tôi tin bà con sẽ sớm khôi phục và phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả" - ông Thanh nhấn mạnh.
Tiếp đó, một bạn đọc có hỏi: Sau mưa lũ, nhiều diện tích đất trồng trọt bị sa bồi, thuỷ phá, khó có thể khôi phục sản xuất ngay trong vụ mùa này. Cục Trồng trọt có kế hoạch hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào ở những diện tích này? Mưa lũ cũng khiến nhiều diện tích cây lâu năm như cam, quýt ở nhiều tỉnh miền Trung bị thiệt hại nghiêm trọng, kế hoạch khôi phục, chuyển dịch cơ cấu ở những diện tích này như thế nào?
Ông Nguyễn Như Cường trả lời: Với tổng diện tích trên 2.600ha đất trồng trọt bị vùi lấp sau mưa lũ, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại. Song song đó, Bộ NNPTNT cũng cử các đoàn chuyên gia rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ảnh hưởng để từ đó những căn cứ để hỗ trợ kịp thời.
Với những diện tích đất lúa bị vùi lấp do cát, đất sỏi cần tiến hành tổng hợp, đánh giá, phân loại mức độ vùi lấp để có biện pháp khắc phục có thể trồng lúa lại hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Theo đó, đối với những diện tích đất trồng trọt bị sa bồi, thuỷ phá mỏng, bà con nông dân có thể tiếp tục trồng lúa. Đối với những diện tích đất trồng trọt bị sa bồi, thuỷ phá sâu không thể trồng lúa, cần chuyển đổi sang các cây màu khác như như ngô, lạc.
Còn đối với những diện tích đất bị sa bồi, thuỷ phá rất sâu không thể ngày một ngày hai giải quyết được mà cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể. Việ này, giữa các cơ quan của Bộ NNPTNT như Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt đã phối hợp thực hiện rất chặt chẽ.
Đối với diện tích cây có múi ở nhiều tỉnh miền Trung bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ, đơn cử như cây thanh trà ở Thừa Thiên – Huế cũng cần có những phân loại đánh giá cụ thể.
Theo đó, với những diện tích cây có múi có thể khôi phục được, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt đã mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật khôi phục cây lâu năm bị ngập úng.
Đối với những diện tích cây có múi bị ảnh hưởng nặng nề, không thế khôi phục được, bà con có thể trồng cây có múi khác. Bộ NNPTNT đã có các văn bản chỉ đạo yêu cầu các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chọn địa chỉ có uy tín để mua hoặc đặt hàng sản xuất. Các địa phương phải kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ các nguồn giống cây trồng có múi và chịu trách nhiệm trước người dân, không để bà con chịu thiệt đơn thiệt kép.
Đồng quan điểm với Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng công tác đánh giá, phân loại mức độ đất trồng trọt bị sa bồi, thuỷ phá sau mưa lũ rất quan trọng. Đối với những diện tích đất bị ảnh hưởng nhẹ, bà con có thể hoàn nguyên lại trồng lúa, nhưng có những loại, chúng tôi khuyến cáo không nên quay lại trở lại đất lúa vì tầng bồi lắng nhiều quá, nên chuyển cây màu. Nhiều địa phương đã triển khai tốt việc chuyển đổi cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Thanh, để canh tác phần đất bị bồi lắng cần phải cần có thời gian, có giai đoạn cải tạo lại. Chúng ta cũng phải nhìn nhận lại, sau lũ có những giải pháp là tình thế nhưng cần có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất.
Đối với công tác tái đàn lợn tại các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các tỉnh miền Trung mới bị thiên tai, bão lụt lại càng phải thận trọng hơn.
Theo tôi, việc đầu tiên, bà con phải xử lý thật kĩ khâu tiêu độc khử trùng. Khi tái đàn lợn, bà con phải rất thận trọng, và không nên tái đàn tại các nông hộ, trang trại mới bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, không có chuồng trại kiên cố, không đảm bảo an toàn sinh học.
Bởi đối với nơi vừa có bão lũ, chuồng trại vừa bị thiệt hại, dịch dễ lây lan qua nước nên bà con không nên tái đàn lợn ngay.
Để an toàn, tôi khuyên bà con nên ưu tiên số 1 là tái đàn gia cầm. Bởi gia cầm thời gian nuôi quay vòng nhanh, có hiệu quả ngay. Thứ 2 là chăn nuôi một số loại gia súc ăn cỏ như bò. Thứ ba, các hộ có hạ tầng trang trại tốt, không bị thiệt hại bởi bảo lũ, có cơ sở đảm bảo an toàn sinh học mới nên tái đàn lợn.
Trong lúc này và sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương tái đàn gia cầm, đàn gia súc hiệu quả hơn.
Theo Nhóm P.V/danviet.vn
https://danviet.vn/toa-dam-tai-co-cau-nong-nghiep-mien-trung-sau-bao-lu-ho-tro-nhanh-nhat-dung-nhat-20201214151743787.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã