Những năm gần đây, nông dân huyện Tuy Phong (Bình Thuận) sản xuất nho kết hợp du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế. Toàn huyện hiện có 46 ha nho, chủ yếu giống nho đỏ Cardinal và nho xanh NH01-148. Tuy nhiên các giống nho này đang bị thoái hóa, dễ mẫn cảm với nhiều loại nấm bệnh, đặc biệt là bệnh thán thư, phấn trắng khiến năng suất, chất lượng suy giảm.
Quan khảo nghiệm sản xuất cho thấy giống nho mới NH01-152 có nhiều ưu điểm như có thể trồng trên nhiều chân đất khác nhau, mùa mưa và mùa nắng nóng cây vẫn đậu quả tỷ lệ cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Tiềm năng năng suất dao động từ 15-18 tấn/ha/vụ, thâm canh cao có thể đạt 20-25 tấn/ha/vụ và mỗi năm sản xuất được 2 vụ.
Về thị trường, quả nho NH01-152 thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bởi quả to và khi chín có màu đỏ vang, sau đó chuyển sang màu vàng, hồng, đỏ tươi nên nhiều người gọi là nho 3 màu. Khi ăn quả có vị thơm nhẹ rất đặc trưng, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải (từ 16 – 18%), thích hợp cho bảo quản và vận chuyển.
Theo đánh giá, chất lượng quả của giống nho NH01-152 tương đương với sản phẩm nho cùng loại được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Sản phẩm được các thương lái thu mua tại vườn với giá dao động 60-90 nghìn đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với giống nho đỏ và nho xanh.
Ông Nguyễn Tám, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết: Với các ưu điểm vượt trội của giống nho mới NH01-152 về chất lượng, chống chịu bệnh và thời tiết nóng hạn đã mở ra triển vọng cho người sản xuất. Chúng tôi đã xây dựng mô hình “Thâm canh giống nho mới theo hướng GAP và liên kết chuỗi” để chuyển giao kỹ thuật cho bà con huyện Tuy Phong. Đây là giống nho do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu và chọn tạo, được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử tại tỉnh Ninh Thuận và phía Bắc tỉnh Bình Thuận.
Tại Bình Thuận, mô hình được Trung tâm triển khai với quy mô 2,5 ha tại xã Phước Thể, với 12 hộ tham gia. Tháng 9/2019, Trung tâm tổ chức cho các hộ tham gia mô hình và ngoài mô hình tham quan học tập kinh nghiệm tại các vườn nho NH01-152 và được tập huấn kỹ thuật.
Đầu tháng 12/2019 bắt đầu xuống giống gốc ghép, khi gốc ghép được 45-55 ngày là đủ tiêu chuẩn được ghép mắt nho NH01-152; tỷ lệ sống gần 100%. Sau khi cắt tạo cành khoảng từ 28-35 ngày thì hoa nở và 95-105 ngày quả chín đủ độ ngọt để thu hoạch. Như vậy, từ khi trồng (tính từ trồng gốc ghép) đến khi thu hoạch quả trung bình khoảng 11 tháng.
Ông Võ Đạo, một nông dân tham gia mô hình cho biết, gia đình ông trồng 4 sào nho NH01-152. Trong đó gần 2 sào được bao mùng sản xuất, dự kiến thu 1,5 tấn nho. Diện tích còn lại trồng bên ngoài bị chim phá hại khi quả bắt đầu chín, năng suất chỉ đạt khoảng 5 tạ/sào.
“Nho NH01-152 tương đối dễ trồng và chăm sóc, đậu quả. Tuy nhiên trong mùa mưa có thể bị nứt quả nên cần phải bao quả chống nước mưa... Với giá bán hiện từ 50-90 ngàn đ/kg, dự tính đến vụ thứ 2 tôi đã thu hồi vốn ban đầu và có lãi”, ông Đạo chia sẻ.
Còn theo đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thể (HTX), đến nay đã 4 hộ tham gia mô hình trồng nho NH01-152 thu hoạch, bán giá cao. Thời gian qua, HTX đã tham mưu các ngành liên quan hỗ trợ cho các hộ sản xuất theo chuẩn an toàn VietGAP. Đến tháng 9/2020, HTX đã được cấp chứng nhận cho 3 ha nho VietGAP bao gồm 2,5 ha nho của mô hình. Bên cạnh đó, HTX cũng đã xúc tiến giới thiệu sản phẩm nho qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là liên kết với Chi nhánh siêu thị Coop-Mart Phan Rí Cửa để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. HTX đã trực tiếp thu mua nho đạt tiêu chuẩn cho các hộ thành viên với giá từ 80-100 ngàn đ/kg song số lượng chưa nhiều.
Được biết, hiện nho NH01-152 của HTX Phước Thể dự thi OCOP cấp huyện đã đạt điểm số cao hơn so với các sản phẩm khác và đang tham dự OCOP cấp tỉnh. Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận định hướng sẽ mở rộng mô hình trồng nho mới này trong thời gian tới tại các xã Phong Phú, Phú Lạc, Vĩnh Hảo (Tuy Phong).
Theo Trung tâm khuyến nông Bình Thuận, nếu trồng nho NH01-152 trong nhà mùng chi phí đầu tư khá cao khoảng 495 triệu đồng/ha (trong đó chi phí nhà mùng chiếm 30%, tương đương khoảng 150 triệu/ha, chi phí làm giàn 30%, tiếp đến là chi phí giống 15%, còn lại là các khâu chăm bón). Còn trồng bình thường ngoài đồng sẽ giảm chi phí nhà mùng 30%, nhưng hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều so với trồng trong nhà mùng. Bởi trồng bình thường sẽ bị thiệt hại năng suất lên đến 50% do ruồi đục quả, chim ăn quả. Trồng nho trong nhà mùng sẽ ngăn cách côn trùng, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất.
Theo Kim Sơ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/trong-giong-nho-moi-nh01-152-theo-huong-gap-d278404.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã