Giữa tháng 7/2020, chúng tôi ra thăm mảnh ruộng đang được trồng thử nghiệm bằng cách cho lúa "uống" sữa, trứng gà thay thế phân, thuốc hóa học.
Không có gì khác thường so với các cánh đồng canh tác lúa khác, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Thế nhưng, khi nhìn cận cảnh, những bông lúa được phun bằng trứng gà cộng với sữa tươi và vôi lân Địa Long lại no tròn, nặng hạt và ít sâu bệnh.
Anh Dương Xuân Vũ ở xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, An Giang kể: Vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, anh được cha là ông Dương Xuân Quả cung cấp giống lúa OM 4900 gieo sạ trên 13ha của gia đình để sản xuất theo quy trình gạo an toàn, tức là sử dụng phân, thuốc hữu cơ để cho ra hạt gạo sữa.
Về công thức chăm sóc ruộng lúa bằng hỗn hợp này, anh Vũ chia sẻ: Lúa trồng theo phương thức cấy tay, khi lúa được 20 ngày tuổi cho tiến hành phun xịt vôi lân Địa Long pha với trứng gà và sữa Vinamilk cữ đầu tiên.
Khi lúa 45 ngày tuổi, 60 ngày tuổi đều cho phun theo công thức trên. Kỹ thuật phun khá đơn giản, chỉ cần 4 lít vôi lân Địa Long được lắng trong, lấy nước pha với 2 trứng gà và 2 bịch sữa Vinamilk vào bình 24 lít phun cho 1 công lúa.
Theo anh Vũ, áp dụng biện pháp trên, giúp giảm chi phí khoảng 30% so với cách canh tác truyền thống, trong khi năng suất từ bằng đến cao hơn một ít so những cánh đồng sản xuất theo truyền thống có sử dụng phân, thuốc hóa học.
Bên cạnh đó, trồng lúa theo hướng an toàn khá mới mẻ nhưng mục đích cuối cùng nhằm giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và làm ra hạt gạo an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Hiện nay cánh đồng lúa vụ Hè Thu sản xuất theo quy trình gạo sữa của bà con nông đã được thu hoạch, đạt năng suất gần 7 tấn/ha và được Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả mua với giá 8.000 đồng/kg.
Đặc biệt hơn, cánh đồng được sản xuất theo quy trình mới lạ này đã thu hút rất nhiều nông dân ở các tỉnh, thành ĐBSCL đến tham quan học hỏi.
Ông Nguyễn Thành Giang, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Bình Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: “Tôi có kinh nghiệm sản xuất lúa hơn 27 năm và đứng ra lãnh đạo HTX hơn 240ha với 160 xã viên sản xuất lúa. Nhân dịp thu hoạch gạo sữa, tôi cũng tranh thủ thời gian đến tham quan mô hình.
Trước mắt tôi là cánh đồng không sử dụng phân, thuốc hóa học mà chỉ sử dụng phân, thuốc hữu cơ. Khi cầm bông lúa lên tay rất bất ngờ vì có nhiều bông, ít hạt lép, hạt sáng chắc no đến cậy, lúa ít đổ ngã…
Trong khi đó, chi phí đầu tư thấp, lúa vẫn đạt năng suất từ bằng đến cao hơn so với sản xuất truyền thống. Thời gian tới tôi về địa phương sẽ triển khai cách làm lúa này để áp dụng cho HTX”.
Từ cách sản xuất an toàn nói trên, sau khi lúa thu hoạch ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã), Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả đứng ra bao tiêu lúa cho bà con nông dân để làm thương hiệu “Gạo sữa Dương Xuân Quả” thông qua công nghệ sấy đục.
Ông Năm Nhã cho biết: Để có sản phẩm gạo sữa hoàn hảo, ông đã thử qua nhiều loại gạo, nhưng cuối cùng ông chỉ chọn giống lúa OM 4900 để sấy thành gạo sữa cung cấp cho thị trường.
Để làm ra hạt gạo sữa đạt chất lượng, trước tiên đòi hỏi lúa khi còn ở ngoài đồng phải có độ chín vừa phải, sau đó cho thu hoạch đem đi sấy từ 45- 48 giờ với nhiệt độ thấp hơn so với sấy lúa thông thường.
Lúa sấy xong ủ lại 24 tiếng đồng hồ mới cho đem đi xay xát thành gạo, tất cả các công đoạn phải đòi hỏi đúng quy trình. Cụ thể lúa thu hoạch đúng độ chín sẽ giúp tăng tỷ lệ thu hồi gạo, đồng thời sấy hạt gạo sẽ không bị gẫy, giữ độ nguyên vẹn hạt gạo lên đến 97%, cơm nấu chín sẽ mềm dẻo.
PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Hiện sản xuất lúa hay chăn nuôi theo hướng hữu cơ sẽ là xu hướng mà ngành nông nghiệp đang ủng hộ cao. Vì mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả cao, bền vững, giảm chi phí, an toàn cho tiêu dùng và thuận lợi cho việc xuất khẩu mặt hàng nông sản.
Tuy nhiên người nông dân làm ra sản phẩm hữu cơ bán giá không chênh lệch so với hàng hóa sản xuất truyền thống cho nên không khích lệ người sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ. Do vậy việc sản xuất hữu cơ chậm phát triển so với cách sản xuất truyền thống từ mấu chốt đó.
Theo PGS.TS Dương Văn Chín, để sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ phát triển bền vững, trước mắt người sản xuất phải làm ăn chân chính, không sử dụng phân, thuốc hóa học trong quy trình canh tác, đồng thời sản phẩm đó phải được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ khi ra thị trường có giá cao và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, cho biết: Mô hình sản xuất gạo sữa của nông dân trước mắt đem lại hiệu quả nhờ sử dụng phân thuốc hữu cơ và vi sinh xem đây là hướng đi mới cho ra sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Hiện nay ngành nông nghiệp An Giang đang theo dõi mô hình này. Trên cơ sở đó ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục nghiên cứu và hỗ trợ mô hình theo cơ sở khoa học để ngày càng hoàn thiện hơn, nếu đạt kết quả cao theo mong muốn thì mới nhân rộng.
Theo Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã