Cách đây hơn 10 năm, khi cây nhãn tiêu da bò bị thoái hóa do dịch bệnh chổi rồng, đa phần nhà vườn ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) chọn giống nhãn mới để duy trì loại cây ăn trái đặc sản của huyện, song nhiều nhà vườn ở xã Phú Hựu và thị trấn Cái Tàu Hạ lại mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ đó đã tạo nên đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nông dân và đã mang lại hiệu quả đáng kể, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Là một trong những nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ cây nhãn tiêu da bò sang trồng cây sầu riêng, ông Nguyễn Văn Xương ở xã Phú Hựu cho biết, bước đầu, khi chuyển đổi cũng chưa xác định hiệu quả thế nào nên ông chỉ chuyển đổi trồng trước 20 gốc sầu riêng giống Ri6 trên diện tích 1.000m2. Sau 5 năm trồng, vườn sầu riêng bắt đầu cho trái và đến nay đã hơn 8 năm, bình quân mỗi năm 20 gốc sầu riêng cho thu hoạch khoảng 3 tấn trái, bán với giá 60.000 đồng/kg, thu lợi nhuận trên 130 triệu đồng, từ đó, anh mở rộng diện tích vườn sầu riêng lên hơn 5.000m2.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nam ở thị trấn Cái Tàu Hạ cũng vừa thu hoạch xong vụ sầu riêng, mặc dù thời điểm thu hoạch gặp mưa nhiều nhưng với giá ổn định ở mức hơn 50.000 đồng/kg nên ông khá phấn khởi.
Hiện, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện Châu Thành là hơn 100ha, tập trung ở xã Phú Hựu và thị trấn Cái Tàu Hạ. Để hỗ trợ nhà vườn, xã Phú Hựu đã thành lập được HTX sầu riêng. Còn thị trấn Cái Tàu Hạ cũng thành lập Hội quán tập hợp những nhà vườn trồng sầu riêng nhằm mục chia sẻ kinh nghiệm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn để sản phẩm sầu riêng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Chủ nhiệm Phú Nông Hội quán ở thị trấn Cái Tàu Hạ, cho biết: “Hội quán đang thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn để tìm đầu ra cho trái sầu riêng. Song song đó còn phối hợp với ngành nông nghiệp mời cán bộ kỹ thuật ở các viện, trường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con, trong đó chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP”.
Việc lựa chọn cây sầu riêng trong chuyển đổi cây trồng của nông dân huyện Châu Thành là hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, nhà vườn cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ cũng như tìm kiếm cơ hội để phát triển cây sầu riêng, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như nhiều loại cây trồng trước đây.
Theo Thanh Dự - Đăng Phúc/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/trong-sau-rieng-huong-di-moi-cua-nha-vuon-chau-thanh-post43925.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã