Học tập đạo đức HCM

Trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên đang dần hình thành

Thứ ba - 29/09/2020 06:37
(Chinhphu.vn) – Ngày mai (30/9), 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam gồm đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây chính thức được khởi công với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ. Cùng với 3 dự án thành phần khác đang xây dựng, trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên đang dần hình thành.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự lễ khởi công dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ dự lễ khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

 Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng cho toàn dự án sẽ xong trong tháng 10/2020. Ảnh: VGP/ Trang Trang


Hoàn thành cách đây gần 2 thập kỷ, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là “tiền thân” đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam. Theo Quyết định 2047/2002/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT thì đường Pháp Vân-Cầu Giẽ được gọi là “đường khai thác theo tốc độ cao”. 
 
Theo thiết kế ban đầu của tuyến đường này, làn trái dành cho xe con, tốc độ tối đa 100 km/h, tối thiểu 80 km/h. Làn phải dành cho xe chạy tốc độ 60–80 km/h. Song, do có nhiều đoạn sụt lún, mặt đường bị nứt, gãy khúc, không bảo đảm độ êm thuận, một số nút giao trên tuyến còn thiếu hợp lý, nên ở một số đoạn, biển quy định tốc độ đã được gỡ bỏ và trong một thời gian dài, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng không được công nhận là “đường cao tốc”.
 
Tới ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến, quy mô 4 - 8 làn xe với lộ trình xây dựng đến năm 2030.
 

Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 được tổ chức khởi công tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tổ chức khởi công tại địa bàn xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; dự án Phan Thiết - Dầu Giây tổ chức khởi công tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Dự án Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63km, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 101km, tổng mức đầu tư 11.603 tỷ đồng. Hai dự án này được thiết kế 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17m.

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km, tổng mức đầu tư 13.656 tỷ đồng; quy mô 6 làn xe, bề rộng 25m; phân kỳ đầu tư giai đoạn một là 4 làn xe, chiều rộng 17m, tốc độ tối đa 80 km/h. 

Năm 2016, Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.
 
Đến tháng 9/2017, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị đánh giá, một trong những điểm nghẽn hạ tầng lớn nhất chính là hành lang vận tải Bắc – Nam và hiện tại nhu cầu vận tải đã vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến Quốc lộ 1. Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai, việc đầu tư ngay một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn.
 
Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và trình Quốc hội tại Tờ trình số 421/TTr-CP ngày 11/10/2017.
 
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
 
Theo Nghị quyết 52/2017/QH14, với quy mô và tầm quan trọng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện dự án. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh với tổng mức đầu tư  khoảng 118.716 tỷ đồng (bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
 
Hành lang vận tải Bắc - Nam là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan toả nhất và tạo động lực phát triển kinh tế cho đất nước. Ảnh minh hoạ.

Ngày mai (30/9) , Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công theo Nghị quyết 117/2020 của Quốc hội gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, với tổng số vốn hơn 37.000 tỷ đồng.
 
Kể từ thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án từ PPP sang đầu tư công, để khởi công các dự án này trong những tháng cuối cùng của năm 2020, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục để khởi công những gói thầu đầu tiên trong thời gian ngắn kỷ lục là 3 tháng. Trong khi đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm trước đây từ lúc dự án được thông qua chủ trương đến thời điểm khởi công xây dựng phải mất khoảng 7 - 8 tháng, thậm chí kéo dài hàng năm.
 
“Bộ GTVT đã tập trung thời gian kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan. Đến thời điểm hiện nay, cả 3 dự án đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật, đáp ứng đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.

Theo Bộ GTVT, việc triển khai khởi công xây dựng 3 dự án trên đã hiện thực cụ thể quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Cùng với 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2021 thì hình hài trục cao tốc Bắc-Nam xuyên Việt đã dần được hình thành. 

Một điểm chung của phần lớn các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650km là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nói cách khác, các tỉnh miền Trung sẽ là những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc huyết mạch này. 
 
Hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối Thủ đô Hà Nội và TPHCM, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
 
Riêng đoạn Hà Nội - TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I-II và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm. Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, tạo động lực phát triển kinh tế cả nước.

Phan Trang/Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập114
  • Hôm nay32,638
  • Tháng hiện tại1,056,491
  • Tổng lượt truy cập91,119,884
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây